Trong nhịp sống hối hả của thời đại số, khi mạng xã hội và thiết bị điện tử đang dần chiếm lĩnh thời gian và sự chú ý của người trẻ, việc khơi dậy và nuôi dưỡng thói quen đọc sách trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Thế nhưng, ở Đăk Glei, huyện biên giới còn nhiều gian khó vẫn có một hành trình thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa vẫn đang tiếp diễn mỗi ngày “ Hành trình gieo mầm văn hóa đọc”
Các em nhỏ Đăk Glei miệt mại đọc từng trang sách
Là vùng đất nằm giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, Đăk Glei có địa bàn rộng lớn, địa hình chia cắt, dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số như Xơ Đăng, Giẻ Triêng… Cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, khiến sách vở, nhất là những cuốn sách ngoài giáo khoa. Nhiều em nhỏ ở đây chưa từng được cầm trên tay một quyển sách mới. Thư viện ở một số trường học chỉ là căn phòng nhỏ với vài tủ sách cũ kỹ, thậm chí có nơi, “thư viện lớp học” chỉ là vài chục đầu sách do thầy cô vận động quyên góp từ các tấm lòng hảo tâm.
Quang cảnh thư viện một số trường học trên địa bàn
Thế nhưng, chính từ những điều tưởng như khiêm tốn ấy, văn hóa đọc vẫn âm thầm bén rễ, nhen nhóm lên từ những ánh mắt ham học của học trò vùng cao. Những quyển sách cũ ấy đã mở ra thế giới mới cho các em, nơi các em có thể mơ ước, khám phá, và nhìn thấy tương lai vượt ra khỏi những triền đồi và nương rẫy quen thuộc.
Thư viện lưu động đưa “Ánh sáng tri thức”
Trước thực tế đó, ngành giáo dục cùng chính quyền địa phương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Nhiều mô hình sáng tạo đã ra đời như: “Tủ sách lớp em”, “Thư viện thân thiện”, “Thư viện xanh”; Thư viện lưu động đưa “Ánh sáng tri thức” ... Không gian đọc được đưa gần hơn với học sinh, trở thành một phần quen thuộc trong trường học, không chỉ ở thư viện mà ngay giữa sân trường, trong lớp học.
Hội thi thiếu nhi tuyên truyền- giới thiệu sách năm 2023
Các hoạt động như Ngày hội đọc sách, thi kể chuyện theo sách, giao lưu chia sẻ cảm nhận sách được tổ chức định kỳ, trở thành sân chơi bổ ích giúp học sinh thêm gắn bó với những trang sách. Dù cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng tinh thần tham gia của học sinh, giáo viên và cả cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở nhà trường, nhiều tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... cũng góp phần tích cực trong việc khơi dậy tình yêu sách bằng các buổi sinh hoạt chuyên đề, kể chuyện theo sách, tặng sách đến vùng sâu vùng xa.
Và rồi, từ những trang sách, những giấc mơ mới đã được thắp lên. Nhiều em nhỏ ở Đăk Glei không còn chỉ mơ ước làm nương, làm rẫy như cha mẹ, mà đã bắt đầu ước mơ trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, công an… Những ước mơ lớn ấy, bắt đầu từ những cuốn sách nhỏ.
Hành trình lan tỏa văn hóa đọc ở Đăk Glei có thể còn nhiều gian nan, nhưng từng trang sách nhỏ đang gieo những hạt giống tri thức lớn lao. Và từ những hạt giống ấy, tương lai của các em sẽ dần nảy mầm xanh hơn, sáng hơn, vững vàng hơn.
Bài, ảnh: Nguyễn Tú