Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1403/QĐ-TTg, thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về việc "Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Quyết định này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính, nhằm xây dựng một bộ máy nhà nước gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả và phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới).
Theo quyết định, Thủ tướng làm Trưởng BCĐ, Phó Thủ tướng thường trực làm Phó Trưởng ban; các Phó Thủ tướng làm ủy viên. BCĐ có nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới; đồng thời đổi mới, sắp xếp hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước.
BCĐ sẽ xây dựng đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa 16 nhiệm kỳ 2026 - 2030.
Như vậy, việc thay đổi cơ cấu bộ máy hành chính đã ở rất gần, đã có thời hạn cụ thể, chứ không chỉ là phương hướng. Thời gian qua, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, các Bộ, ngành Trung ương đã giảm 17 Tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 Cục thuộc Tổng cục và thuộc Bộ; giảm 145 Vụ/Ban thuộc Tổng cục và thuộc Bộ; giảm 90% phòng trong vụ. Nhưng sự tinh giản còn phải tiếp tục.
Nghị quyết 18 của Trung ương từng nêu rõ hướng tới xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Chính phủ, Bộ, ngành tiếp tục đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược. Chính phủ giảm bớt các Ban quản lý dự án, hợp nhất các đơn vị làm việc giống nhau để giảm chi phí. Các cơ quan nhà nước được giao một nhiệm vụ cụ thể và phải chịu trách nhiệm với kết quả làm việc. Một số việc mà Nhà nước không nhất thiết phải làm sẽ được giao cho DN và tổ chức xã hội đảm nhiệm.
Tháng 3/2023, Bộ Chính trị ban hành Thông báo 50 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 18. Tháng 7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 99 về Chương trình hành động nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Theo đó, Bộ Nội vụ được giao chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bảo đảm nguyên tắc “1 việc, 1 cơ quan chủ trì”. Hiện Bộ Nội vụ cũng đang đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ.
Mới đây nhất, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 yêu cầu trong tháng 12/2024, các cơ quan trực thuộc xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy theo hướng Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong.
Nêu ra những chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành như nêu trên, để thấy rằng công cuộc cải cách bộ máy hành chính là rất khó, rất phức tạp, có thể khiến một số cơ quan, đơn vị và người trong diện ảnh hưởng “tâm tư”. Nhưng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo khi chủ trì làm việc với Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Điều lệ Đảng trình Đại hội 14 của Đảng vào ngày 11/11/2024 vừa qua, công việc khó khăn, phức tạp này “đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên”; nên cùng với việc đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; sự đổi mới trong công tác cán bộ; nhất định công việc tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả sẽ sớm đi đến thành công; tất cả vì sự phát triển của đất nước.
Thực hiện: Nguyễn Tú
Nguồn: Báo Pháp luật