BHXH huyện Đăk Glei: Thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt 49,5% kế hoạch năm 2021 và tỷ lệ nợ giảm mạnh xuống mức 0,06% số phải thu
27-7-2021
06 tháng đầu năm 2021, tổng thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của BHXH huyện Đăk Glei trên 41,78 tỷ đồng, đạt 49,5% kế hoạch năm 2021, tăng gần 0,96 tỷ đồng (2,29%) so cùng kỳ năm ngoái. Tổng nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 54 triệu đồng, chiếm 0,06% số phải thu.
Giám đốc BHXH huyện Đăk Glei Thái Đông Hải cho biết: chỉ tiêu thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2021 của BHXH huyện được BHXH tỉnh giao xấp xỉ 84,46 tỷ đồng, tăng gần 5,65 tỷ đồng (7,16%) so năm ngoái, trong khi tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp không đổi. Để hoàn thành chỉ tiêu thu, chủ yếu trông chờ vào khai thác lao động mới. Mà, tình hình dịch Covid-19 phát sinh, diễn biến phức tạp và kéo dài, tác động bất lợi đến công tác mở rộng, phát triển người tham gia để tăng nguồn thu. Trước thực tế này, ngay từ đầu năm, BHXH huyện đã quyết liệt chỉ đạo viên chức tập trung cao độ cho công tác thu. Cùng với việc xây dựng kế hoạch công tác năm, trên cơ sở đánh giá những yếu tố tác động, cụ thể hóa kế hoạch thành nhiều chương trình hành động trên từng lĩnh vực, chú trọng công tác thu, đề ra các nhóm giải pháp sát điều kiện đặc thù của huyện và đơn vị, bám sát thực hiện theo thứ tự ưu tiên trên từng nội dung công việc.
Ngay từ đầu năm, BHXH huyện đã chủ động làm việc, thống nhất với các đơn vị giải quyết dứt điểm nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm trước chuyển sang và có cam kết thực hiện nghĩa vụ thu nộp năm nay đúng tiến độ hằng tháng. Trên cơ sở đó, BHXH huyện bám sát đơn vị để cùng tháo gỡ khó khăn, quyết tâm hạn chế dồn số thu vào cuối kỳ, giảm thấp nhất tỷ lệ nợ trên từng tháng.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp, gây gián đoạn trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng không chỉ riêng ở các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp mà phát sinh hệ lụy dây chuyền, bất lợi cho hoạt của một số doanh nghiệp vốn dĩ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn huyện. Vài chủ doanh nghiệp cho biết, tình trạng cung ứng nguyên vật liệu bị đứt quãng, gây thiệt hại trong sản xuất, khó khăn trong tiêu thụ, dẫn đến hàng tồn kho, doanh số sụt giảm, sản xuất bị thu hẹp, chưa có tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhưng vẫn cố gắng đảm bảo đời sống cho người lao động (NLĐ).
Trước thực trạng này, thực hiện chỉ đạo của BHXH tỉnh, ngoài tiếp tục tăng cường đẩy mạnh giao dịch điện tử, giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, tuân thủ giãn cách, thực hiện tốt phòng, chống dịch covid-19. BHXH huyện còn kịp thời hướng dẫn triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị thực hiện dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; thủ tục xác nhận danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc do ảnh hưởng dịch; hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đơn vị gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP, 154/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời giám sát chặt chẽ việc chi trả kịp thời chế độ BH thất nghiệp cho NLĐ khi có phát sinh; đảm bảo quyền lợi trong khám và điều trị bệnh BHYT; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đơn vị từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện giải quyết nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có lộ trình và cam kết thời hạn phù hợp, chung tay đảm bảo quyền lợi cho NLĐ trong gia và thụ hưởng, tháo gỡ “nút thắt”, tạo đà cho doanh nghiệp, đơn vị vượt khó.
Kiên quyết đối với các đơn vị có điều kiện nhưng viện cớ ảnh hưởng dịch Covid-19 để “tát nước theo mưa”, cố tình dây dưa, chậm nộp. BHXH huyện kịp thời báo cáo UBND huyện chỉ đạo khắc phục.
Nhờ thực hiện đồng bộ, tổng hợp nhiều giải pháp, kết quả đến 30/6/2021 thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là trên 41,78 tỷ đồng, đạt 49,5% kế hoạch năm 2021, tăng gần 0,96 tỷ đồng (2,29%) so cùng kỳ năm ngoái. Tổng nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 54 triệu đồng, chiếm 0,06% số phải thu.
Bên cạnh đó, BHXH huyện triển khai đến toàn thể viên chức hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” theo phát động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum, tạo chuyển biến nhận thức tích cực về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tổ chức hội nghị tuyên truyền tận các thôn làng bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số; phát hành tờ gấp và phát thanh lưu động bằng cả 2 thứ tiếng; làm phóng sự truyền hình; phát thanh trên Đài huyện và trên hệ thống loa truyền thanh không dây của các xã, thị trấn; tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích, băng rôn; mở quầy tư vấn tại chợ; tổ chức thảo luận nhóm; thăm hộ gia đình; đối thoại chính sách; tư vấn; mở Chuyên mục “Chính sách BHXH, BHYT” trên Trang Thông tin điện tử huyện; ký kết giao ước thi đua năm 2021 giữa các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện; ký kết văn bản phối hợp liên ngành với 08 đơn vị liên quan; mở rộng, phát triển hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT; thường xuyên rà soát tình hình đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đơn vị để khai thác mở rộng, phát triển người tham gia.
Tính đến 30/6/2021, toàn huyện có 3.486 người tham gia BHXH, đạt 92% kế hoạch năm, tăng 716 người (25,8%) so cùng kỳ năm trước; 1.708 người tham gia BH thất nghiệp, đạt 95,9% kế hoạch năm, tăng 121 người (7,6%); 49.330 người tham gia BHYT, tăng 703 người (1,4%) so cùng kỳ năm trước, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 99,1% dân số cả huyện.
Giai đoạn 6 tháng cuối năm, BHXH huyện tập trung thực hiện nhiều giải pháp tăng nguồn thu qua việc mở rộng, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tăng cường đôn đốc thu gắn liền giảm mạnh tỷ lệ nợ; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết hồ sơ, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, phấn đấu thực hiện thắng lợi mọi chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, tích cực góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương./.
Thái Hải
Số lượt xem:768
line_weight
BÀI VIẾT LIÊN QUAN: