Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay, huyện Đăk Glei đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trên cơ sở công nghệ số thay đổi phương thức làm việc, sản xuất, kinh doanh của người dân, chính quyền, doanh nghiệp. Từ đó, mở ra cơ hội phát triển bền vững, hướng tới thu hẹp khoảng cách số giữa vùng khó khăn với vùng thuận lợi, mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân.
Huyện Đăk Glei là huyện vùng núi của tỉnh Kon Tum, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Do vậy quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số, huyện Đăk Glei gặp phải một số khó khăn như máy tính của các cơ quan, đơn vị, UBND xã cấu hình thấp, lạc hậu, một số thiết bị cũ chưa tối ưu hóa cho công việc và triển khai nhiệm vụ; thiếu nguồn đầu tư và nguồn nhân lực về công nghệ thông tin...
Vì lẽ đó, Huyện đang từng bước khắc phục và đặt ra mục tiêu trong thời gian tới. Thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 18/ 02/ 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Đăk Glei phấn đấu xóa vùng lõm sóng; bảo đảm tốc độ mạng viễn thông di động; mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh; mỗi hộ gia đình có khả năng tiếp cận một đường Internet cáp quang băng rộng...
Ông Lê Đức Dũng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đăk Glei cho biết: Trong năm 2024, Phòng VH&TT cơ quan thường trực CDS cấp huyện sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã thị trấn rà soát các khu vực đông dân cư trên 50 hộ gia đình đã có điện lưới chưa có sóng điện thoại, 3G, 4G,tổng hợp danh sách báo cáo UBND tỉnh đề xuất Bộ TTTT xem xét bổ sung dịch vụ viễn thông công ích, tuyên truyền, thúc đẩy người dân thiết lập tài khoản VNeID, đặc biệt là định danh mức độ 2.
Chương trình tập huấn: Phổ biến kỹ năng số cộng đồng
Thời gian qua, Để đưa chuyển đổi số vào nhịp sống đời thường, huyện Đăk Glei đã phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 93 tổ công nghệ số cộng đồng/ 93 thôn, làng. Nhiệm vụ của các tổ công nghệ số cộng đồng là tuyên truyền về chủ trương chuyển đổi số của các cấp; hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu về y tế, giáo dục, chính sách xã hội; thanh toán không dùng tiền mặt...
Ông Nguyễn Duy Hưng, tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng thôn Đăk Dung, thị trấn Đăk Glei cho hay: Thực hiện hướng dẫn của cấp trên, gần nhất là công an huyện và công an thị trấn, thực tế xuống hướng dẫn cho bà con, cái cách thu thập thông tin, cái cách vận động nhân dân để thu thập thông tin chúng tôi dựa vào những cuộc họp thôn, cái thứ hai chúng tôi chia ra từng khu vực, những cái hộ dân không điều kiện tiếp cận được chúng tôi cử thành viên đến từng nhà để thu thập thông tin, qua đây, thấy rất là hiệu quả về quản lý nhà nước.
Qua hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng, bà con ĐBDTTS trên địa bàn dần hiểu rõ hơn về ý nghĩa của chương trình chuyển đổi số và tích cực thụ hưởng những tiện ích từ chuyển đổi số đem lại. Chị Y Lý Yên, thôn Đăk Dung, thị trấn Đăk Glei chia sẻ: Thấy bản thân mình khi tiếp cận với chuyển đổi số thấy sự tiện lợi của nó rất là tốt ví dụ khi mình đi đâu mình không cần mang giấy tờ quá nhiều, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh mình có thể thuận tiện tron việc thanh toán đi tham quan, khám chữa bệnh, giúp cho người dân phát triển hơn.
Hướng dẫn người dân thanh toán tiền đoạn qua APP
Việc xây dựng chính quyền số là nội dung quan trọng được huyện Đăk Glei ưu tiên triển khai. Do đó, huyện tập trung đầu tư trang bị cơ sở, thiết bị thông tin. Đến nay, 100% các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện, xã, thị trấn đã kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Nhà nước; lắp đặt 13 điểm cầu họp trực tuyến; 100% công chức có máy tính sử dụng trong công việc. Có thiết bị, cán bộ, công chức, viên chức thay đổi phương thức làm việc phù hợp, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước. Tại đây, chủ yếu xử lý công văn, hồ sơ trên máy tính, sử dụng các phần mềm chỉ đạo, điều hành như: Hệ thống quản lý văn bản; Hệ thống một cửa một cửa liên thông; Hệ thống hòm thư công vụ...
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND xã Đăk Pék
Tại Bộ phận một cửa xã Đăk Pék đã thường xuyên số hoá điện tử dữ liệu hồ sơ TTHC, giải quyết TTHC được nhanh chóng, đảm bảo công khai, minh bạch. Trong đó, tích hợp đưa TTHC lên Cổng dịch vụ công và thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết TTHC. 2 tháng đầu năm 2024, xã tiếp nhận trên 140 hồ sơ TTHC, trong đó, hồ sơ giải quyết trước thời hạn đạt trên 96%. Điều này được người dân đánh giá cao. Ông Phạm Khắc Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei cho biết: Thực hiện Kế hoạch của cấp trên về thực hiện chuyển đổi số quốc gia, Ủy ban xã đã chỉ đạo với các ngành, phối hợp các ngành liên quan tăng cường công tác tăng cường vận động người dân mở tài khoản Vneid mức độ 2 và đặc biệt là mở cái tài khoản dịch vụ công quốc gia để từ đó triển khai thực hiện trong công tác giao dịch dân sự với người dân, dần dần thực hiện với người dân có thể ở nhà cũng tự thực hiện các thủ tục hồ sơ.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức của Bộ phận một cửa xã Đăk Pék cũng dành nhiều thời gian, công sức hướng dẫn người dân tạo tài khoản công dân và thực hiện làm hồ sơ trực tuyến. Vì vậy, người dân chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối Internet thì ở bất cứ đâu cũng có thể thao tác nộp được hồ sơ trực tuyến mà không phải đến Bộ phận một cửa..
Việc chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai đồng bộ hiệu quả. Nhờ vậy, số lượng công dân trên địa bàn huyện Đăk Glei tiếp cận và sử dụng dịch vụ công ngày càng tăng. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện tiếp nhận trên 1.350 hồ sơ TTHC. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến chiếm 54%. Trong lĩnh vực kinh tế tại huyện Đăk Glei đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ sản phẩm OCOP của huyện đưa lên sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart hiện đạt gần 23%. Riêng Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Đăk Glei có thế mạnh về các sản phẩm dược liệu. Hiện nay, HTX có các sản phẩm Ocop đạt 3 sao cấp tỉnh như sâm dây khô, cao sâm dây, rượu sâm dây và măng khô. Bên cạnh đó, có một số sản phẩm trưng bày khác như mắc ca, cà phê... Thời gian qua, HTX đã đăng tải thông tin sản phẩm lên các trang mạng xã hội, làm mã QR để giúp khách hàng mua và thanh toán thuận lợi. Mỗi tháng, cửa hàng của HTX có khoảng 200 đơn hàng, số đơn hàng trực tuyến chiếm gần 80%.
Chị Trịnh Thị Phượng, Giám đốc Hợp tác xã TM & DV Đăk Glei cho biết:Để thuận lợi cho việc phát triển cũng như giới thiệu sản phẩm, HTX đã ứng dụng vào những phương thức bán hàng trên những kênh trực tuyến như là youtube, tiktok, facebook, hoặc là zalo, mới đây HTX đã tiếp cận được với một số kênh như shoppe, lazada, thấy rất là hiệu quả vì khách hàng có thể xem trực tiếp sản phẩm, chọn mua những sản phẩm yêu thích, tìm hiểu những sản phẩm trên nền tảng đó.
Áp dụng chuyển đổi số vào trường học
Trong lĩnh vực giáo dục của địa phương, chuyển đổi số tạo được những dấu ấn mạnh mẽ. Điển hình như trường PTDTNT huyện Đăk Glei. Dù trường thuộc khu vực khó khăn nhưng luôn cố gắng phát huy hạ tầng thông tin hiện có trong công tác giảng dạy. Hiện nay, toàn trường có hơn 460 học sinh thuộc 3 khối lớp. Với sự quan tâm của các cấp, 14 phòng học của trường đã được trang bị đầy đủ mỗi phòng học có 01 Tivi và có kết nối mạng Internet. Mỗi tiết học, giáo viên thực hiện nhiều phương pháp và hình thức khác nhau, kết hợp cùng các thiết bị thông minh. Qua đó, góp phần tăng tương tác với học sinh và tính trực quan của mỗi bài giảng. Đây cũng là một yếu tố nâng cao chất lượng dạy và học gắn với đổi mới giáo dục của nhà trường.
Em Hoàng Thị Bảo Châu, học sinh lớp 10 A1 trường PTDTNT huyện Đăk Glei nói tâm sự: Nhờ có internet nên mọi thứ được thuận tiện, nhanh chóng hơn giúp ích cho chúng em rất là nhiều như là tra cứu tìm kiếm thông tin nhanh chóng, đa dạng có thể tự học, tự làm việc tại nhà cũng giống như học trực tuyến giúp học sinh có thể tự hình thành thói quen tự học, tự tìm hiểu bài”
Quét mã QR tại khu di tích lịch sử Ngục Đăk Glei
Có thể thấy, Những hiệu quả đem lại từ triển khai chuyển đổi số toàn diện thời gian qua là yếu tố quan trọng để huyện Đăk Glei tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng, thúc đẩy hành trình chuyển đổi số góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững, toàn diện, đem lại cuộc sống, giá trị sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Tú