Bác Hồ không chỉ kêu gọi toàn dân rèn luyện sức khỏe, mà còn là tấm gương sáng về tinh thần tự giác và sáng tạo trong việc chăm sóc cơ thể để phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Những lời Bác căn dặn về việc rèn luyện thể dục thể thao đã trở thành những kim chỉ nam cho mỗi người dân Việt Nam, góp phần xây dựng một xã hội khỏe mạnh và hùng cường.
Bác hồ tập bơi (ảnh tư liệu)
Bác Hồ từng nói: “Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”. Lời kêu gọi này không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Người đến sức khỏe cá nhân mà còn là sự khẳng định tầm quan trọng của sức khỏe đối với sự phát triển của đất nước.
Ngay từ những năm tháng sống và hoạt động ở Pháp, Bác Hồ đã thể hiện ý thức chăm sóc sức khỏe. Vào mùa đông lạnh giá, Bác đặt hai viên gạch vào lò bếp của khách sạn để chiều tối lấy chúng ra, bọc báo cũ làm nệm ngủ chống rét. Cả trong những điều kiện khắc nghiệt tại Liên Xô và Trung Quốc, Bác Hồ vẫn duy trì thói quen tập thể dục đều đặn. Bác dậy sớm mỗi sáng để tập thể dục tay không, kết hợp với các bài tập tạ và dây thun, thậm chí dù trời lạnh buốt, Bác vẫn kiên trì tập luyện và sinh hoạt lành mạnh.
Khi trở về đất nước, Bác Hồ vẫn không quên việc luyện tập để giữ gìn sức khỏe. Tại căn cứ Pắc Pó, dù trong hoàn cảnh khó khăn, Bác vẫn duy trì thói quen tập thể dục buổi sáng, không ngủ trưa, và vào buổi chiều, Bác thường giúp đỡ người dân trong xóm làm việc vặt như vác củi, làm vườn. Những câu chuyện về Bác Hồ đều đặn tham gia các hoạt động thể dục, thể thao đã trở thành hình mẫu cho các cán bộ, chiến sĩ học tập và noi theo.
Đặc biệt, vào năm 1946, Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Nha Thể dục Trung ương và phát động phong trào "Khỏe vì nước", kêu gọi toàn dân tham gia tập thể dục để nâng cao sức khỏe và góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước. Bác nhấn mạnh: “Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập, khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe… Tự tôi, ngày nào cũng tập.” Chính sự gương mẫu của Bác đã thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết trong phong trào rèn luyện thể dục thể thao, khơi dậy ý thức tự giác và tinh thần thể thao trong mỗi người dân Việt Nam.
Bác Hồ cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến thể thao. Trong suốt thời gian ở Hà Nội và những năm sau đó, Bác luôn tham gia các hoạt động thể dục thể thao như đá bóng, bơi lội, leo núi, và khuyến khích mọi người tham gia luyện tập thể thao. Những buổi sáng sớm Bác đến các sân vận động, tham gia các sự kiện thể thao, động viên các huấn luyện viên và vận động viên, đã tạo nên một nền thể thao hiện đại, khoa học, và gắn liền với sức mạnh dân tộc.
Ngày 19/12/1966, khi tiếp đoàn thể thao Việt Nam về từ GANEFO, Bác căn dặn các vận động viên: “Đánh giặc Mỹ gian khổ khó khăn như vậy, nhưng quân và dân ta có quyết tâm đánh thắng. Các cháu phải quyết tâm đặt thành tích, cao hơn nữa. Muốn vậy phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong tập luyện và thi đấu, phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng là những vận động viên của dân tộc anh hùng”.
Chính sự quan tâm và tinh thần tự giác trong việc rèn luyện thể dục thể thao của Bác Hồ đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản vô giá. Những hành động của Bác không chỉ đơn thuần là lời kêu gọi mà còn là tấm gương mẫu mực về sự kiên trì, chăm sóc sức khỏe và sự quan tâm đến thể thao như một phần không thể thiếu trong việc xây dựng đất nước hùng mạnh. Đó chính là bài học mà mỗi chúng ta cần phải học hỏi và thực hiện trong cuộc sống hàng ngày, để tiếp tục phát huy tinh thần “Khỏe vì nước” mà Bác đã trao truyền.
Thực hiện: Nguyễn Tú