Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là vấn đề cá nhân mà là một thách thức nghiêm trọng đối với toàn xã hội. Mặc dù xã hội ngày càng phát triển, quyền con người được tôn trọng hơn, nhưng tình trạng bạo lực gia đình vẫn tồn tại và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và hạnh phúc của không ít gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Bạo lực gia đình không chỉ làm tổn thương thể xác mà còn gây ra những vết thương sâu sắc về tinh thần, làm suy giảm phẩm giá con người, xâm hại đến quyền bình đẳng giới và sự tiến bộ xã hội.
Hơn bao giờ hết, việc xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả cộng đồng, từ các cấp lãnh đạo, cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội cho đến mỗi người dân. Để giải quyết vấn đề này, cần có các giải pháp đồng bộ, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng, đến việc hỗ trợ nạn nhân và tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em. Chỉ khi nào mọi người đều nhận thức rõ và cùng hành động, chúng ta mới có thể tạo ra một xã hội bình đẳng, không còn sự bạo lực, nơi phụ nữ và trẻ em gái được tôn trọng, bảo vệ và phát triển toàn diện.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, pháp luật thể hiện rõ nguyên tắc bình đẳng nam nữ như: Hiến pháp 1992, Bộ Luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ Luật Dân sự, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã ra đời và có hiệu lực thi hành để điều chỉnh, ngăn chặn những hành vi bạo lực gia đình. Công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước và các vấn đề có liên quan về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), lồng ghép hoạt động công tác gia đình trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", đưa tiêu chí đạt Danh hiệu Gia đình văn hóa làm tiêu chuẩn đánh giá, bình xét hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên hàng năm đưa luật vào cuộc sống để ngăn chặn, làm giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình đang diễn ra trong các gia đình Việt Nam hiện nay góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
Để xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, cần thực hiện các giải pháp toàn diện từ chính sách pháp luật đến thay đổi nhận thức cộng đồng và hỗ trợ cho các nạn nhân. Những giải pháp dưới đây là thiết yếu để giải quyết vấn đề này.
Tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, Chính quyền và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng luật và tuyên truyền cho nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước và các vấn đề có liên quan đến gia đình, PCBLGĐ đặc biệt là các vấn đề đến bình đẳng giới. Huy động sức mạnh trong dư luận xã hội, định hướng dư luận trong phòng chống bạo lực gia đình.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thông tin các phương tiện thông tin đại chúng; hình ảnh cổ động trực quan về gia đình, bình đẳng giới và bạo lực gia đình; thông các các buổi sinh hoạt của các tổ chức chính trị, cơ quan đơn vị, trường học, . . . các Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Nghị định số 144 ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ, xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Nghị định số: 167/2013/NĐ-CP, ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, … nhằm thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình và bạo lực gia đình, tự bảo vệ, nâng cao địa vị, vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình; vai trò của họ hàng, dòng tộc để duy trì sự ổn định, đoàn kết và êm ấm trong đời sống gia đình; làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình.
Nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực của người phụ nữ trong gia đình và xã hội thông qua việc tổ chức các buổi sinh hoạt, các lớp tập huấn dành riêng cho chị em phụ nữ hoặc xây dựng các câu lạc bộ và các trung tâm tư vấn về hôn nhân và gia đình cho chị em.
Ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của BLGĐ; xử lý nghiêm các vụ vi phạm về BLGĐ, bất bình đẳng giới.
Đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; Đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình là một tiêu chí quan trọng để xem xét việc công nhận gia đình văn hoá.
Tích cực tuyên truyền và vận động nhân dân từ 16 tuổi trở lên thực hiện các tiêu chí "Người tốt, việc tốt", duy trì có chất lượng phong trào "Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan"; Có giải pháp xây dựng "Xã, phường phù hợp với trẻ em". Phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em cùng với cuộc vận động "Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan"; Xây dựng trường học thân thiện
Xây dựng các thiết chế gia đình bền vững được xem là giải pháp nội lực để phòng tránh bạo lực gia đình. Yêu cầu này đòi hỏi vai trò của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng tham gia trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng quy ước ở khu dân cư đưa nội dung đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới vào để thực hiện nhằm hạn chế mâu thuẫn có thể bùng nổ thành xung đột, xây dựng hình ảnh gia đình: no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và phát triển bền vững./.
Thực hiện: Nguyễn Tú