Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và các công trình cơ sở hạ tầng. Ủy ban nhân dân huyện ban hành công văn số 2813/ UBND-NN ngày 06/11/2024 về việc Chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên địa bàn huyện Đăk Glei.
Theo đó, UBND huyện đề nghị các Thành viên BCH PCTT-TKCN&PTDS huyện, UBND các xã, thị trấn triển khai một số nhiệm vụ như sau:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện, chỉ thị và các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và các Sở ngành có liên quan về việc chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum; các văn bản chỉ đạo của UBND huyện về chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn huyện Đăk Glei3 .
2. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiều thiệt hại.
3. Tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, ngập úng để kịp thời di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn; kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “Bốn tại chỗ” có hiệu quả và kịp thời khắc phục kịp thời khi có thiên tai xảy ra.
4. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, nhất là các khu vực dự báo mưa lớn, nguy cơ ngập sâu chia cắt để sẵn sàng hỗ trợ thôn làng sơ tán nhân dân, cứu nạn khi có yêu cầu, đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự.
5. Giao Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, các Đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn huyện : Chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ các địa phương ứng phó với các tình huống thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.
6. Giao Phòng Văn hóa và thông tin; Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Truyền thông: Phối hợp cơ quan liên quan theo dõi, cập nhật kịp thời các thông tin, diễn biến của mưa lớn, sạt lở đất do mưa bão gây ra… để thông tin đến các đơn vị, địa phương liên quan và Nhân dân biết, chủ động phòng, tránh kịp thời. 7. Các Thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công bám sát địa bàn được phân công, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phòng, ứng phó khi có bão, mưa lũ xảy ra; tổng hợp, báo cáo tình hình thiên tai về Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện.
8. Các chủ hồ chứa các công trình thủy điện, thủy lợi: Chủ động phối hợp với các địa phương theo dõi, bám sát tình hình thời tiết, mưa lớn, sạt lở đất do bão gây ra để chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó, các nguồn lực theo phương “châm 4 tại chỗ” để ứng phó với thiên tai trong mọi tình huống, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống thiên tai mà phải đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi; tổ chức vận hành các hồ thủy điện, thủy lợi, hồ chứa an toàn tuyệt đối và hiệu quả.
9. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn: Tập trung chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lớn, sạt lở đất do bão gây ra trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn biết để ứng phó thiên tai. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát các khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa lớn, sạt lở đất, tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm, ngầm, cầu tràn; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, không để khi xảy ra thiên tai mới di dời, không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.
- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, sớm khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra. không để người và phương tiện di chuyển qua các cầu treo dân sinh, ngầm, tràn, các tuyến đường sông, các tuyến đường bộ dễ xảy ra sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết... khi có mưa lũ. –
-Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
- Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, các chủ phương tiện vận tải, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình. - Tăng cường kiểm tra, thực hiện khơi thông hệ thống thoát nước, giải tỏa các vật cản làm ách tắc, cản trở dòng chảy; kịp thời phát hiện sự cố và triển khai phương án xử lý tiêu thoát nước hiệu quả trên các tuyến giao thông.
- Khi có thiên tai xảy ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn phải thường xuyên ứng trực, trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra tại địa bàn phụ trách; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo với Thường trực Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện về tình hình, công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo phòng chống, ứng phó thiên tai. Định kỳ vào lúc 15h00’ hằng ngày tổng hợp, báo cáo cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân huyện báo cáo theo quy định .
10. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện: Tổ chức trực ban 24/24 giờ, nắm chắc tình hình diễn biến của mưa lớn, sạt lở đất do bão lũ gây ra, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân huyện các biện pháp xử lý khi có tình huống xấu xảy ra; theo dõi tình hình ở các địa phương, định kỳ vào lúc 16h00’ hàng ngày tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Thực hiện: Nguyễn Tú