Việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng, phát triển giống nòi, nâng cao nguồn lực con người và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. An toàn thực phẩm không chỉ là quyền cơ bản của mỗi người dân mà còn là một yếu tố quyết định đến sự thịnh vượng bền vững của mỗi quốc gia.
Theo Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm thường là do: Vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm mốc,...); Hóa chất (thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, hóa chất trong chế biến thực phẩm); Độc tố tự nhiên (như độc tố trong một số loài thực vật hoặc động vật); Thực phẩm hư hỏng, biến chất.
Tất cả những tác nhân trên đều có thể xảy ra qua đường ăn uống, chế biến và bảo quản thực phẩm. Những nơi có nguy cơ cao về mất vệ sinh ATTP gồm các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, dịch vụ thức ăn đường phố, cơ sở phục vụ bữa ăn tập thể không được cấp phép và các quán ăn vỉa hè.
Khuyến cáo đối với các bên liên quan
Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm: Cơ sở sản xuất, chế biến phải tuân thủ các quy định về vệ sinh, bảo đảm chất lượng nước, thiết bị và dụng cụ chế biến thực phẩm; Nguyên liệu thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng và đảm bảo an toàn. Cấm sử dụng thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; Chủ doanh nghiệp và nhân viên sản xuất thực phẩm cần khám sức khỏe định kỳ và được đào tạo về kiến thức ATTP; Thực phẩm phải có nhãn mác rõ ràng, đúng quy định, không gây hiểu lầm cho người tiêu dung; Doanh nghiệp phải thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết đảm bảo ATTP theo quy định; Các sản phẩm phải thực hiện công bố theo quy định của pháp luật, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định liên quan.
Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm: Các cơ sở phải bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất để kinh doanh thực phẩm, đồng thời chỉ kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng; Các cơ sở phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP. Chủ cơ sở và nhân viên kinh doanh cũng phải được khám sức khỏe và đào tạo kiến thức ATTP; Các cơ sở kinh doanh phải lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Cấm các hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là những hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, nơi công cộng.
Đối với người tiêu dung: Người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bằng cách:
Nên mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra hạn sử dụng và có dấu kiểm nghiệm của cơ quan chức năng.
Cần nấu thức ăn đến nhiệt độ tối thiểu là 70°C để tiêu diệt vi sinh vật có hại.
Thực phẩm chín phải được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, không để quá lâu ngoài môi trường an toàn.
Trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần làm việc khác, cần rửa tay sạch sẽ để tránh lây nhiễm vi khuẩn.
Cần tách biệt thực phẩm sống và thực phẩm chín trong quá trình chế biến để tránh ô nhiễm chéo.
Các bề mặt chế biến thực phẩm phải luôn sạch sẽ, và khăn lau bát đĩa phải được luộc qua nước sôi.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhà sản xuất, cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng. Việc nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và thực hiện các biện pháp cụ thể sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phát triển nền kinh tế và xã hội bền vững.
Tất cả mọi người, mọi nhà đều cần phải tích cực, chủ động trong công tác bảo vệ vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thực hiện: Nguyễn Tú