Trong suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn đặc biệt của mình trên nhiều lĩnh vực. Song có lẽ một trong những dấu ấn sâu đậm nhất, sẽ mãi mãi được hậu thế nhắc tới và nể phục, đó là công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Hơn 10 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn cho thấy sự thống nhất giữa nói và làm, sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ bằng hành động quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực và quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bước tiến trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng (PCTN) ở nước ta chính là việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban vào tháng 2/2013. Điều này là chưa có tiền lệ, bởi trước đó công tác PCTN thuộc Chính phủ, do Thủ tướng đứng đầu.
Là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định, đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ khó khăn, do đó phải kiên trì, kiên quyết, thống nhất, trên dưới một lòng, đồng tâm nhất trí.
Phát biểu tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ngày 4/2/2013, Tổng Bí thư nêu rõ: Việc Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị là xuất phát từ yêu cầu khách quan, với mong muốn, quyết tâm cao hơn, tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh PCTN. PCTN là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan chủ nghĩa cá nhân, động chạm đến những người có chức, có quyền. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã làm nhiều lần, làm quyết liệt nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, làm quyết liệt hơn nữa, kiên trì, bền bỉ..
Đặc biệt, khi tái đắc cử Tổng Bí thư tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thắp lên một "chiến dịch chống tham nhũng" rộng khắp, hiện thực hóa quyết tâm đó bằng những hành động cụ thể. Chủ trì Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ngày 31/7/2017, Tổng Bí thư ví von: "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công". Đó không chỉ là mệnh lệnh của người đứng đầu Đảng ta, đồng thời là thông điệp, là lời tuyên bố đanh thép của Đảng và Nhà nước, tỏ rõ sự không khoan nhượng với nạn tham ô, tham nhũng.
Tại Phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ngày 27/9/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chống tham nhũng phải thành nếp. "Lò cháy rồi không ai đứng ngoài cuộc được. Anh đi ngược là lộ ra ngay anh thế nào. Ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo và xin thôi đi. Phải quyết tâm như thế và truyền tinh thần xuống bên dưới như thế!". Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào"; "chống tham nhũng đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược"...
Tuy nhiên, bên cạnh đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, quan điểm xử lý các vụ việc tham nhũng vẫn được đánh giá là nhân văn. Tổng Bí thư đề nghị lấy "xây" là cơ bản, "chống" phải quyết liệt và rất quan trọng. Tại Họp báo bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 1/2/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian để nói về công tác đấu tranh PCTN: "Xử lý tham nhũng là hoàn toàn nhân văn, nhân đạo. Tôi vẫn nhớ lời Bác Hồ: "Phải cắt bỏ một vài cành sâu, mọt để cứu cả cái cây". "Xử lý một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác không vi phạm. Để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa là chính, chứ không phải là cốt xử cho nhiều, xử cho nặng".
Tổng Bí thư cho biết, đấu tranh chống tham nhũng rất phức tạp, khó khăn, do vậy nếu không có bản lĩnh, không có dũng khí, không có tình cảm chân chính thì sẽ không làm được. "Ai cũng thích của, thích tiền. Nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt. Nếu không rèn luyện, tu dưỡng thì khó tránh khỏi cám dỗ".
Ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị thống nhất đổi tên gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực (TC) thay cho tên cũ. Việc bổ sung từ "tiêu cực" để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo là không chỉ đấu tranh PCTN trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. "Hai cái này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống...", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ.
Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đây cũng là bước ngoặt lớn trong công tác đấu tranh PCTN,TC của Đảng ghi dấu ấn đậm nét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ đây, nhiều vụ việc TN,TC được Ban Chỉ đạo gọi tên và đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, như vụ Việt Á, vụ "Chuyến bay giải cứu", vụ AIC, vụ FLC, Tân Hoàng Minh, "đại án" đăng kiểm, vụ án Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, vụ án Tập đoàn Thuận An... Và đi kèm với đó là nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành "dính chàm" đã bị xử lý kỷ luật về đảng, bị xử lý hình sự... bởi có các hành vi TN,TC, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã phải thôi giữ chức vụ vì liên quan đến quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm người đứng đầu...
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTN,TC giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư khẳng định, đẩy mạnh đấu tranh PCTN, TC đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh PCTN, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh". Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Tổng Bí thư chỉ rõ, phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng"; "kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể TN,TC".
Một trong những điểm đột phá trong công cuộc chống tham nhũng thời gian gần đây là sự thành lập Ban Chỉ đạo PCTN,TC cấp tỉnh, khẳng định sự đồng lòng, quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN,TC ở địa phương, cơ sở, thể hiện đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", khắc phục hạn chế "trên nóng, dưới lạnh" như Tổng Bí thư thường nói. Kết quả là, số vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý nhiều hơn, không còn tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới", "hạ cánh an toàn" như trước đây; "trên nóng, dưới cũng ngày càng nóng lên"...
Có thể nói, công tác đấu tranh PCTN,TC những năm qua cho thấy rất rõ sự kiên quyết, kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà hạt nhân đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kết quả đó cũng thể hiện sự nhất quán giữa nói và làm, sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ của toàn Đảng cũng như của đồng chí Tổng Bí thư với nạn tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Những quan điểm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cách làm và kết quả đó cũng thể hiện rõ trách nhiệm, tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Kết quả đó vừa thể hiện sự nghiêm khắc, quyết liệt, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, nhân tình của Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư đối với các đối tượng tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước; khẳng định niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội, chính khách, học giả nước ngoài với quyết tâm của Đảng và những chỉ đạo hiệu quả của đồng chí Tổng Bí thư trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Lịch sử cách mạng và dân tộc Việt Nam sẽ khắc ghi những dấu ấn đậm nét, thành tựu nổi bật của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh PCTN,TC do đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đứng đầu đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ, kiên trì và rất quyết liệt.
Giờ đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng những đóng góp và cống hiến to lớn của đồng chí về PCTN,TC sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN,TC làm trong sạch bộ máy của Đảng Nhà nước; tiếp tục thực hiện những dự định và mong muốn cao cả của đồng chí về xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phát triển bền vững vì hạnh phúc của Nhân dân, tiếp tục nâng cao và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực hiện: Nguyễn Tú
Nguồn: Chính phủ