Việc thể chế hóa đầy đủ các chủ trương và chính sách nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là nhiệm vụ chiến lược phải được "cơ bản hoàn thành trong năm 2025". Đây là bước đi đầu tiên và quyết định để bảo đảm sự thành công trong công cuộc chuyển đổi và phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.
Như Nghị quyết đã chỉ rõ, thể chế hóa là "điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước". Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ đầy thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà còn là vấn đề chung của các quốc gia trên thế giới, khi sự phát triển của công nghệ hiện đại tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi căn bản cách thức xây dựng và thực thi pháp luật, cũng như phương thức quản trị quốc gia.
Với Nghị quyết số 57, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được xác định là "đột phá quan trọng hàng đầu" và là "động lực chính" cho sự phát triển nhanh của lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết khẳng định, nếu không đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, đất nước sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu, không thể bứt phá trong kỷ nguyên số.
Để hoàn thiện thể chế cho đột phá này, nhiệm vụ không chỉ giới hạn trong việc rà soát và sửa đổi các Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao Công nghệ, LuậtCông nghệ cao, hay Luật Công nghiệp Công nghệ số. Cần mở rộng phạm vi đến các lĩnh vực khác như pháp luật về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, sở hữu trí tuệ, thuế, và cơ chế quản lý tài chính để tạo ra một hệ thống pháp lý đồng bộ, hỗ trợ mạnh mẽ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thực tế hiện nay, dù có những chính sách hỗ trợ nhưng do sự thiếu đồng bộ giữa các lĩnh vực pháp lý, nhiều cơ chế và chính sách chưa thực thi hiệu quả. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng là phải rà soát và sửa đổi toàn diện hệ thống pháp luật để khắc phục tình trạng "mở" ở lĩnh vực này nhưng lại "đóng" ở các lĩnh vực khác, khiến cho các chính sách dù tốt nhưng không thể áp dụng thực tế.
Đặc biệt, cần xây dựng một tư duy pháp lý mở để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo và không cản trở sự phát triển bằng những rào cản pháp lý không cần thiết. Nghị quyết số 57 đã đề ra các giải pháp đột phá như cơ chế thí điểm, miễn trừ trách nhiệm cho doanh nghiệp khi thử nghiệm công nghệ mới, hay hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho các khởi nghiệp sáng tạo.
Một trong những yếu tố then chốt để thể chế hóa thành công chính là sự thay đổi tư duy trong việc xây dựng và thực thi pháp luật. Cần kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" mà thay vào đó là tư duy "mở cửa", tạo cơ hội cho sự thử nghiệm, sáng tạo và thí điểm. Điều này có thể tạo ra một môi trường pháp lý linh hoạt, động lực phát triển cho doanh nghiệp và toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Chính phủ và Quốc hội đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, và xã hội số. Tuy nhiên, việc xây dựng các đạo luật liên quan như Luật Công nghiệp công nghệ số vẫn còn những điểm hạn chế, do tiếp cận vẫn còn mang tính thận trọng, chưa thực sự đột phá. Việc "cấm cho lành" trong khi không nắm bắt kịp thời những cơ hội mới có thể là một rào cản lớn đối với sự phát triển.
Như vậy, để thể chế thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, một trong những yếu tố quan trọng là tư duy đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế. Cơ chế pháp lý phải đủ mạnh mẽ để không chỉ "bảo vệ" sự đổi mới mà còn phải "khai mở" các không gian mới cho sáng tạo, thử nghiệm và ứng dụng công nghệ.
Từ đó, thể chế không chỉ hỗ trợ mà phải tạo ra động lực để khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực phát triển của đất nước. Điều này sẽ giúp Việt Nam không chỉ theo kịp mà còn có thể vượt lên dẫn đầu trong kỷ nguyên công nghệ số.
Thực hiện: Nguyễn Tú