Bác Hồ là lãnh tụ nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, tư tưởng với hành động, nói đi đôi với làm. Kết quả, hiệu quả hành động là thước đo lời nói. Con đường dẫn đến hiệu quả của hành động bắt đầu từ dám nghĩ và quá trình hành động cần trí tuệ, bản lĩnh dám nói. Đại hội XIII của Đảng đặt “dám nghĩ, dám nói” lên đầu trong “thất dám” là trở về với di sản Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các học viên dự lớp bồi dưỡng đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội ngày 14/5/1966. (Ảnh tư liệu)
Học Bác dám nghĩ
Mọi hoạt động của con người bắt đầu từ dám nghĩ. Tư duy (suy nghĩ) đúng thì hành động đúng; tư duy sai, méo mó, lệch lạc thì hành động lệch lạc. Điều đó có tính quy luật. Quá trình tìm đường (1911-1920), mở đường (1921-1930), dẫn đường (1930-1945), thiết kế tương lai (1945-1969) của Bác cho ta bài học lớn làm rõ quy luật đó với dám nghĩ độc lập, tự chủ, sáng tạo.
Bảy năm sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, tuy đã nghiêng về cách mạng thế giới, tìm hiểu cách mạng Nga, viết báo ca ngợi Lênin, nhưng Phan Bội Châu vẫn cải tổ Việt Nam quang phục hội thành Việt Nam quốc dân đảng phỏng theo Quốc dân đảng của Tôn Trung Sơn. Trong khi đó Bác khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc Cách mạng Tháng Mười. Trên đất Pháp, Bác tích cực tham gia các hoạt động của Ủy ban Quốc tế III của Đảng Xã hội Pháp để bảo vệ cách mạng Nga, đồng thời đi nói chuyện về chủ nghĩa xã hội. Khi đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo L’Humanité Bác rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng, coi đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta.
Làm cách mạng thì trước hết phải suy nghĩ chín chắn, cao hơn là dám nghĩ tức là vượt lên cái cũ, vươn tới những giá trị mới, đôi khi chứa đựng, bao hàm trong đó những giá trị của cái cũ, nhưng cũng có thể hoàn toàn chưa có tiền lệ trong lịch sử. Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải “thất dám” mà hàng đầu là “dám nghĩ” là trở lại với Hồ Chí Minh cho thấy cách nhìn mới mẻ trong đổi mới. Thế giới đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cấp chiến lược mà không dám nghĩ một cách độc lập, tự chủ, sáng tạo kiểu Hồ Chí Minh thì rất khó điều hành, lãnh đạo công việc, đi đến dẫm chân tại chỗ, thậm chí thất bại.
Học Bác dám nói
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc tập trung “xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.187).
“Nói” và “dám nói” có mối quan hệ, nhưng không đồng nhất. Dám nói có nội hàm rộng, sâu, chứa đựng trong đó tư duy phản biện, tự phê và phê bình phản ánh bản chất dân chủ của một đảng chân chính cách mạng. “Nghĩ” mới chỉ trong tư duy. Tư duy phải thể hiện bằng lời nói và hành động mà ở đây là dám nói, tức là nói những điều không phải nằm trong sách vở mà từ thực tiễn, từ cuộc sống, từ đòi hỏi của đổi mới và yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Công cuộc đổi mới với hai từ “đổi mới” đã chứa đựng trong đó cái mới, cái dám, cái bản lĩnh. Không có những người dám nói, dám chất vấn, dám phản biện, dám cãi, xã hội không thể phát triển. Những ngày chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội từ thời Bác Hồ đến đổi mới thực sự đã đem lại một sinh khí mới, sinh lực mới, chất lượng mới không chỉ ở bề nổi mà có tác dụng to lớn trong chỉ đạo thực tế. Đây là bài học lớn từ di sản của Bác.
Dám nói, có quyền nói - mà theo cách nói mộc mạc, dung dị là dám mở mồm ra - là một nét đặc trưng của dân chủ trong chế độ dân chủ nhân dân, dân chủ xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản. Ngược lại với dân chủ là độc đoán, chuyên quyền. Nhận thức giá trị của đề cao dân chủ trong Đảng, Bác Hồ không chỉ khẳng định đảng viên có quyền nói và yêu cầu cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, mà còn khuyến khích cán bộ “bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cũng cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.661).
Muốn cán bộ công tác giỏi, muốn sự nghiệp đổi mới tiến lên, gặt hái được nhiều thành tựu năm sau to hơn năm trước thì trong nhiều việc cần làm ngay, nhất định phải học Bác dám nghĩ, dám nói, có gan phụ trách. Bởi vì, “nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng” không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.320).
Thời gian qua, dưới ánh sáng Đại hội XIII, Đảng ta đã từng bước triển khai quan điểm “thất dám” trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, một số cơ sở đảng và cán bộ do chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn bản chất khoa học và cách mạng của “dám nói” nên thường “nhảy cóc”, bỏ qua hai từ “dám nói” trong văn kiện Đảng, đồng nghĩa với việc chưa thấm nhuần, quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác về “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, chỉ tập trung vào “dám nghĩ, dám làm”. Đổi mới mà cán bộ không cả gan nói, dám đề ra ý kiến, có gan chất vấn, phản biện thì sao mà làm đúng, làm tốt, làm có hiệu quả được. Nhận thức sai lầm đó dẫn tới hiện tượng vừa qua không ít cán bộ thu mình, “trùm chăn”, không nói, không đề xuất ý kiến, không tham mưu, không triển khai công việc, nếu triển khai thì cầm chừng, qua loa. Đây là một lỗ hổng dẫn tới sự ngừng trệ công việc cần được khỏa lấp ngay, nếu không sẽ dẫn tới “thất bại cho Đảng” như Bác đã dạy. Rất mong cán bộ, đảng viên học Bác dám nghĩ, dám nói.
Thực hiện: Nguyễn Tú
Theo: https://hochiminh.vn/