Trong những ngày tháng Năm lịch sử, cả dân tộc Việt Nam lại bồi hồi xúc động tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Mỗi người dân Việt Nam đều thành kính hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – nơi an nghỉ của Người, với lòng biết ơn sâu sắc và niềm xúc động thiêng liêng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 19/5/1946, lần đầu tiên nhân dân ta long trọng kỷ niệm ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của Đảng, Nhà nước và dân tộc Việt Nam. Từ đó đến nay, mỗi dịp 19/5 trở thành một ngày lễ đặc biệt trong lòng dân tộc. Đó là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại những công lao to lớn, đạo đức cách mạng mẫu mực và cuộc đời vĩ đại của Bác – người đã hy sinh cả đời mình vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Đã hơn 56 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hình ảnh, lời dạy và tấm gương sống của Bác mãi mãi trường tồn, tỏa sáng cùng hành trình phát triển của đất nước và hòa quyện trong nhịp đập tiến bộ của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – một danh nhân văn hóa kiệt xuất, một nhà cách mạng lỗi lạc, người đã sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Người sinh ra tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Khi nhỏ có tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên Nguyễn Tất Thành, trong quá trình hoạt động cách mạng, Người sử dụng nhiều tên gọi khác nhau, nổi bật là Nguyễn Ái Quốc, và sau này là Hồ Chí Minh – cái tên đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Năm 1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người yêu nước Việt Nam tại Pháp gửi tới Hội nghị Versailles bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam. Năm 1920, tham gia Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn: con đường cách mạng vô sản. Từ đây, Người hoạt động không mệt mỏi vì lý tưởng cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trong suốt quá trình hoạt động, Người đã thành lập nhiều tổ chức cách mạng, tiêu biểu như: Hội Liên hiệp thuộc địa (1921), Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), và ra tờ báo Thanh niên để truyền bá tư tưởng cách mạng. Năm 1941, với tên gọi Hồ Chí Minh, Người về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng và là linh hồn của Mặt trận Việt Minh. Đến năm 1944, Người chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.
Đỉnh cao của sự nghiệp cách mạng là ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đó, Người trở thành Chủ tịch nước, tiếp tục lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn trong hai cuộc kháng chiến và công cuộc kiến thiết đất nước.
Từ năm 1965 đến 1969, dù tuổi cao, sức yếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đồng hành cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất đất nước. Ngày 2/9/1969, Người từ trần, để lại muôn vàn tiếc thương cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, cũng như bạn bè quốc tế. Người hưởng thọ 79 tuổi.
Năm 2025, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta long trọng tổ chức kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người – tấm gương sáng ngời về trí tuệ, nhân cách, đạo đức và tinh thần hy sinh cao cả. Cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Trong niềm xúc động, kính yêu và biết ơn vô hạn, toàn dân tộc Việt Nam, cùng bạn bè năm châu tiếp tục khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam!
Thực hiện: Nguyễn Tú