Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính có thể lây truyền từ người sang người thông qua đường tiêu hóa, tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng của người bệnh nên rất dễ lây lan, thường gặp ở các trường học, nhà trẻ.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu nên Cục Y tế dự phòng khuyến cáo phụ huynh và nhà trường cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tay chân miệng cho trẻ như: giữ vệ sinh sạch sẽ nhà ở và trường lớp; tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, xì mũi... Khi nấu thức ăn, chăm sóc trẻ, người lớn cũng cần vệ sinh tay và các dụng cụ sạch sẽ. Thực hiện ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch trước khi sử dụng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Khi trẻ bị bệnh không cho dùng chung đồ với trẻ khác, tránh tiếp xúc gần và không cho trẻ đến trường, nơi đông người cho đến khi khỏi bệnh.
Thực hiện: Y Đông