Sinh thời, bằng tất cả sự quan tâm và trách nhiệm của Người lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo nhắc nhở cán bộ, đảng viên, các tổ chức cơ sở Đảng và các cấp lãnh đạo phải luôn gắn bó, liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Người coi đây là nguyên tắc chỉ đạo hoạt động có tính sống còn của Đảng. Tư tưởng coi trọng mối liên hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện khá sâu sắc. Người coi nhân dân lao động là người làm nên lịch sử, là chủ thể sáng tạo của các giá trị vật chất và tinh thần xã hội. Cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của nhân dân, do chính nhân dân thực hiện để đáp ứng lợi ích của nhân dân. Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên tin nhân dân, phải biết dựa vào nhân dân vì “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong; đảng viên phải làm cho dân tin, dân phục và chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Chỉ ra ý nghĩa sống còn của mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân. Coi đây là sức mạnh bảo đảm thắng lợi của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vạch ra những hậu quả không lường khi nguyên tắc hoạt động này của Đảng bị vi phạm và mối quan hệ Đảng - nhân dân bị phá vỡ. Khi Đảng xa dân nhất định sẽ bị đơn độc và đi đến diệt vong về chính trị… ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được xa rời dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với quần chúng nhân dân
Ngay từ khi ra đời, cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn ý thức sâu sắc rằng, sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Một đảng chân chính là một đảng luôn đặt lợi ích của nhân dân lao động, lợi ích của dân tộc và lợi ích của giai cấp lên trên hết. Đảng chỉ có sức mạnh khi tập hợp được đông đảo quần chúng.
Ngay trong bài học lớn về quá trình cách mạng của Đảng ta, thể hiện ở Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta đánh giá sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Sức mạnh của quần chúng được ông cha ta ví như: “Chở thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân, nước lấy dân làm gốc”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá: “Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm “dân là gốc”, là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được củng cố, tăng cường.
Trong hoạt động của mình, Đảng ta luôn luôn giữ vững nguyên tắc độc lập, sáng tạo, trung thành với lợi ích của nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống, xác định đường lối, chính sách đúng đắn, xác định rõ khâu đột phá của sự nghiệp đổi mới là đổi mới tư duy, trọng tâm là đổi mới kinh tế. Đổi mới kinh tế kết hợp với đổi mới chính trị làm cơ sở cho sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhưng có thế thấy rằng sức mạnh của Đảng ta là sự gắn bó mật thiết với nhân dân, với quan điểm lấy dân làm gốc, nhân dân làm các cuộc cách mạng, nhân dân xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng Đảng…
Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng quan điểm ấy trong suốt 94 năm qua. Nó trở thành quan hệ máu thịt, sự sống còn của Đảng và dân tộc. Bài học quý báu đó phải được phát huy và giữ gìn trên cơ sở Đảng phải luôn luôn trong sạch vững mạnh, phải vì dân, vì nước. Biết lấy dân làm gốc sẽ trường tồn, Quốc gia sẽ thịnh vượng.
Tháng 02 năm 2012, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng đã mở ra một triển vọng mới về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và tiếp tục phát triển của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, đặc biệt đề cập tới Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân. Công tác dân vận là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng nhằm vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”. Vì vậy vấn đề gần dân, thân dân, vì dân, vì nhân dân phục vụ trong thời chiến cũng như thời bình đã trở thành lương tâm, danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên. Những năm tháng cả nước xông trận, làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc là những năm tháng sống đẹp, sống tốt giữa Đảng với nhân dân, khoảng cách giữa Đảng với nhân dân đã được xích lại gần nhau. Dân trong lòng Đảng, Đảng trong lòng dân. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đảng tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã trở thành tình cảm đặc biệt sâu sắc nhất trong lòng dân tộc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đã phát huy rực rỡ dưới chính thể dân chủ, cộng hòa trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đại hội XIII tiếp tục xác định là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tại Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30-7-2021, của Bộ Chính trị, “Về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó, tổ chức hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả thực hiện công việc, sự hài lòng, tín nhiệm và hạnh phúc của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Những kinh nghiệm lớn và quý báu nhất được Đảng ta tổng kết. Đó là, Đảng luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong điều kiện một Đảng cầm quyền chính là phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Vận mệnh lịch sử của Đảng chính là luôn luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, với dân tộc, với đất nước. Sự gắn bó này thể hiện rất rõ trong cách mạng giải phóng dân tộc, khi toàn dân chung sức, đồng lòng thực hiện cuộc trường chinh vĩ đại, chiến đấu đến cùng để chống giặc ngoại xâm, giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Từ góc độ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, công tác xây dựng Đảng hiện nay chúng ta cần tiếp tục quán triệt theo tư tưởng Hồ Chí Minh đó là: Tuyên truyền giáo dục cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức tư tưởng, đạo đức, lối sống và lý tưởng cách mạng, đề cao tinh thần phục vụ nhân dân theo lời dạy của Bác. Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng ắt từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng. Phát động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến phê bình, tạo ra sức mạnh của toàn xã hội chống quan liêu, tham nhũng. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát huy vai trò chủ động tích cực trong quản lý nhà nước và giải quyết các vấn đề xã hội, thực sự là chủ thể của quyền lực chính trị.
Nhìn lại 94 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, làm nên những thành tựu vĩ đại, đã đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có mối quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng, sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân.
Trong bối cảnh hiện nay, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng được cấp uỷ các cấp đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Để góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Đảng ở địa phương. Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của riêng Đảng, mà còn là trách nhiệm của nhân dân, bởi Đảng là của dân tộc; Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Muốn vậy, Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy dân chủ, bảo đảm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách thực chất, hiệu quả.
Thực hiện: Y Đông