Thời gian qua, hoạt động tín dụng đen, cho vay qua app, sau đó đòi nợ kiểu “khủng bố”, “xã hội đen” phát triển mạnh ở các khu công nghiệp, trường cao đẳng, đại học tại nhiều tỉnh, thành phố. Đối tượng mắc vào bẫy tín dụng đen phần lớn là sinh viên và công nhân, lao động nghèo.
ảnh minh họa
Các đối tượng cho vay rất tinh vi, núp bóng dưới vỏ bọc của doanh nghiệp, cơ quan chức năng cho vay tài chính để thực hiện hoạt động cho vay không thế chấp. Khi vay tiền, người vay phải cung cấp số điện thoại của một số người thân. Trường hợp người vay tiền không có khả năng trả nợ, những đối tượng cho vay đã nhắn tin, gọi điện thoại đến những người có trong danh bạ điện thoại để “tác động” đến những người này nhằm thúc ép người vay trả nợ tiền. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hành vi này có dấu hiệu vu khống, xúc phạm danh dự người khác, cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
Trước tình hình trên, lực lượng Công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan xử lý, giải quyết trấn áp mạnh mẽ loại tội phạm này. Nhờ đó, loại tội phạm “tín dụng đen” được kiềm chế, đẩy lùi, không còn tình trạng phức tạp, công khai, lộng hành như trước đây. Trong đó, lực lượng Công an các cấp đã tổ chức triệt phá nhiều băng nhóm hoạt động với quy mô lớn, hoạt động ở nhiều tỉnh thành do các đối tượng, thậm chí có cả người nước ngoài tham gia điều hành với quy mô rất lớn, với số tiền cho vay lên tới cả ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình vẫn còn nhiều tiềm ẩn, phức tạp, nhất là cho vay qua Internet.
Thời gian tới, để giải quyết tình trạng trên, lực lượng Công an các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể như:
- Tiếp tục tăng cường tấn công, trấn áp mạnh mẽ, tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai chuyên đề phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động, không để các đối tượng mở rộng phạm vi hoạt động.
- Triển khai các giải pháp chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân với các bộ, ngành để phòng chống tội phạm; trước mắt là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ xác thực các thông tin về nhân thân của khách hàng vay vốn, giúp giảm tải, rút ngắn thời gian kiểm tra, xác minh; khắc phục, hạn chế tình trạng làm giả các giấy tờ, thông tin khách hàng để vay vốn, chiếm đoạt tài sản; hỗ trợ ngành ngân hàng triển khai các gói vay nhỏ, qua số căn cước công dân không cần thế chấp, phục vụ các nhu cầu cấp bách chính đáng.
- Tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác điều tra, xử lý các hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Nghiên cứu phối hợp với ngành ngân hàng tham mưu cấp có thẩm quyền quy định hoạt động vay tín chấp, cho vay trực tuyến, vay qua app hiện nay. Xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có liên quan không chủ động phát hiện, đấu tranh, để đơn vị, địa phương khác xử lý.
- Xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động.
- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện thông tin cơ sở, mạng xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, trong đó tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” người dân biết, cảnh giác và tố giác.
Thực hiện: Nguyễn Tú