Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14-4-1944 ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại trong lòng cán bộ, đảng viên, nhân dân ta và bạn bè quốc tế những tình cảm đặc biệt, những ấn tượng sâu sắc không thể phai mờ.
NHÀ LÃNH ĐẠO GẦN GŨI, THÂN TÌNH
Trưởng thành từ cán bộ cơ sở, cho đến khi trở thành người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nêu gương sáng về tinh thần người chiến sĩ cách mạng, người đảng viên chân chính “vào Đảng không phải để làm quan phát tài, vào Đảng là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn toàn tâm, toàn ý phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, song Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn có tác phong bình dị, gần gũi, sâu sát nhân dân. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, ông luôn cố gắng trình bày các nội dung sao cho thật dễ nghe, dễ hiểu bằng văn phong mộc mạc, không đao to búa lớn, không hàn lâm kinh viện. Ông luôn quan tâm trả lời, phúc đáp các ý kiến cử tri, nhân dân một cách đầy đủ, chu đáo và thấu đáo nhất có thể.
Trong các cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, khi phát biểu chỉ đạo hay kết luận, Tổng Bí thư cũng rất khiêm tốn, sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, tình cảm, không chì chiết, không công kích cá nhân mà đi sâu vào phân tích cái hay, cái đúng, cái sai, cái hạn chế trong công việc. Với lời lẽ khúc chiết, thái độ chân thành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn được lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên, tuyệt nhiên không có chút gì là áp đặt, chủ quan. Tổng Bí thư thường hay nói, hay viết: “Tôi xin phát biểu một số ý kiến, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề, mong được các đồng chí quan tâm trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, xem xét, quyết định” (phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 2-10-2023); “Tôi tha thiết kêu gọi, mong đợi và đề nghị mỗi đồng chí Trung ương chúng ta, trên từng cương vị công tác của mình, hãy nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước…” (phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 8-10-2023). Là người đứng đầu của Đảng, là người đưa ra quyết định cuối cùng, song không vì thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng áp đặt ý kiến chủ quan của mình, mà luôn tôn trọng, đề cao và chấp hành các chủ trương đã được tập thể biểu quyết thông qua.
NHÀ LÝ LUẬN XUẤT SẮC
Với trình độ lý luận uyên thâm, vốn kinh nghiệm hoạt động cách mạng phong phú, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, làm sáng tỏ hơn lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội qua bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đây là một tác phẩm lớn, soi đường cho chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước những năm tiếp theo. Ngoài tác phẩm lý luận lớn này, Tổng Bí thư còn có những phát triển, bổ sung lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên tất cả lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thông qua hàng loạt cuốn sách như: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”, “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””, “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”… Đây chính là cẩm nang để các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, nghiên cứu, vận dụng trong quá trình lãnh đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt, được nhân dân ta đánh giá rất cao
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhìn thấy những điểm nghẽn của cách mạng Việt Nam, những yêu cầu đòi hỏi bức thiết của đất nước để cùng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị vạch ra những sách lược cách mạng của Đảng trong thời kỳ mới. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Đảng ta đã bổ sung, hoàn thiện, làm rõ hơn những vấn đề có tính cốt lõi, trọng yếu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, sửa đổi năm 2011), đồng thời ban hành các chiến lược trên những lĩnh vực, như: Chiến lược quốc phòng, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Chiến lược ngoại giao, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia… Hàng loạt chủ trương có tính đột phá được Đảng ta ban hành đều có dấu ấn của Tổng Bí thư, như nghị quyết về kinh tế tư nhân; kết nạp vào Đảng những người đang làm việc trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong công tác cán bộ; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung; về các cơ chế, chính sách kiểm soát quyền lực, “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”; về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để cán bộ, đảng viên không dám, không muốn và không thể tham nhũng.
NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI BA CỦA ÐẢNG
Chúng ta đã chứng kiến những thay đổi, diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường của tình hình thế giới, khu vực những năm gần đây. Đồng thời cũng đã thấy được sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, khéo léo, sáng suốt của Đảng, Nhà nước ta, góp phần đưa con thuyền cách mạng Việt Nam ngày càng đi lên. Đó là giai đoạn đầy rẫy biến cố xảy ra trên thế giới tác động đặc biệt lớn đến nước ta, như tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine, trào lưu chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nhưng chúng ta đã hóa giải nguy thành cơ, không để đất nước bị cuốn theo những toan tính chính trị của các cường quốc thế giới, đất nước vẫn giữ được ổn định, hòa bình để phát triển, đồng thời phát triển mối quan hệ hữu nghị, tốt đẹp với các quốc gia, tổ chức quốc tế.
Có được những thành tựu to lớn đó, chính là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xây dựng được sự đoàn kết, thống nhất rất cao trong Đảng, trong hệ thống chính trị, cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo đất nước ta vượt qua khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực, làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng cao.
NGƯỜI CỘNG SẢN CHÂN CHÍNH
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của người cán bộ, đảng viên. Sự thanh bạch, trong sáng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến cho các nhà lãnh đạo trên thế giới khâm phục, cũng khiến các thế lực thù địch, phản động không thể tìm ra một lý do gì để xuyên tạc, nói xấu. Còn đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân Việt Nam đã rất quen thuộc với hình ảnh một cụ già đầu tóc bạc phơ, gánh trên vai trọng trách người đứng đầu của Đảng, nhưng hằng ngày vẫn rất giản dị trong bộ trang phục quần tây, áo sơ mi (chỉ trừ những lúc Tổng Bí thư phải tiếp khách quốc tế). Ông đi làm trên chiếc xe Toyota Crown cũ đời 1998; làm việc trong căn phòng vô cùng đơn sơ, giản dị, tuyệt nhiên không thấy tranh tượng hay những bộ bàn ghế xa hoa, duy nhất chỉ có bức ảnh Bác Hồ. Trong căn phòng ấy chỉ thấy sách, rất nhiều sách. Sách trên kệ, sách trên bàn làm việc, trên tường.
Những chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, những kết quả to lớn đạt được trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã giúp lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, khắc sâu trong tâm khảm nhân dân về một người lãnh đạo trọn đời vì nước, vì dân. Cũng vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người giành được trọn vẹn niềm tin yêu, kính trọng, tin tưởng của nhân dân, bởi ông là người cộng sản chân chính, nhà lãnh đạo tài ba; luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, nhân dân lên trên hết, trước hết, gần dân, sát dân và có trái tim vô cùng nhân hậu.
Xin được trích dẫn lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng để kết thúc bài viết này: “Tất cả những gì tôi đã làm là vô cùng nhỏ bé so với công lao giáo dục, rèn luyện của Đảng; sự kèm cặp, chỉ bảo của các đồng chí đảng viên đi trước; sự cộng tác, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp; sự động viên, ủng hộ của nhân dân, mà trực tiếp là những cơ quan - nơi tôi từng học tập, công tác và làm việc”.
Thực hiện: Nguyễn Tú
Nguồn: Báo chính phủ