banner
Thứ 6, ngày 28 tháng 6 năm 2024
Truyền thống ngày Tết Đoan Ngọ
11-6-2024

              Ngày 5/5 âm lịch hàng năm, theo văn hóa dân gian của dân tộc Việt Nam, ngày này còn được gọi là Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là "ngày diệt sâu bọ". Mọi người tin rằng, nếu trong ngày này, khi ăn một số món như rượu nếp, hoa quả, bánh gio, thịt vịt sẽ “diệt” được “sâu bọ” trong người, mang lại may mắn, hạnh phúc.
Mâm cúng truyền thống Tết Đoan Ngọ
            Theo truyền thống của từng miền, vào ngày này, ngoài hoa quả, những món ăn cũng khác nhau. Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc, ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm là món phổ biến. Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.
           Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm. Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là "cái". Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại rượu này.
          Văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú nên tại mỗi miền của đất nước lại có những nét văn hóa đặc trưng riêng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Phụ nữ các vùng quê miền Bắc phần lớn đều biết "ngả rượu nếp" và thường tranh thủ dịp này ngả rượu để mang ra phố thị bán, rượu nếp cũng được người dân thành thị ưa chuộng, là thức ăn trong dịp Tết Đoan Ngọ.
          Còn ở miền Trung, món không thể thiếu trên mâm cơm cúng là bánh ú tro. Nhà nào cũng mua từ ba bốn chục bánh trở lên để cúng gia tiên và sau đó cả gia đình cùng nhau thưởng thức.
          Ngoài ra, theo truyền thống của người Nam bộ, thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này trong mâm cỗ diệt sâu bọ.
          Như vậy, có thể nói Tết Đoan Ngọ là Tết giữa năm, trước là tưởng nhớ tổ tiên, sau là ước mong chữa bệnh, cầu sức khoẻ. Tết Đoan Ngọ đã gắn với tín ngưỡng của cả cộng đồng Việt Nam từ bao đời và trở thành một lễ tết truyền thống.
Thực hiện: Nguyễn Tú

Số lượt xem:225
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1030085 Tổng số người truy cập: 2258 Số người online:
TNC Phát triển: