Với lòng quyết tâm và ý chí vượt qua khó khăn, nông dân Đăk Glei đã thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững". Cuộc vận động không chỉ thay đổi nhận thức của bà con nông dân mà còn làm thay đổi phương thức sản xuất, mở ra cơ hội để người dân nâng cao đời sống.
Mô hình nuôi dúi được hội triển khai hiệu quả
Để triển khai hiệu quả, Hội Nông dân huyện Đăk Glei đã thành lập 2 chi hội nghề nghiệp và 11 tổ hội nông nghiệp với 119 thành viên tham gia các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao. Các mô hình tiêu biểu như: nuôi ong rừng lấy mật tự nhiên, trồng và phát triển sâm dây, sâm Ngọc Linh, nuôi bò sinh sản, nuôi dê sinh sản, và nuôi dúi sinh sản không chỉ góp phần nâng cao thu nhập mà còn bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Mô hình trồng sâm dây Ngọc Linh
Tính đến nay, toàn huyện Đăk Glei có 2.285 hộ đăng ký tham gia phong trào "Sản xuất kinh doanh giỏi", trong đó có 123 hội viên tham gia các hợp tác xã và 416 hội viên tham gia tổ hợp tác. Đặc biệt, một số hộ nông dân đã đạt mức thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm trở lên đã cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong việc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đăk Glei sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc vận động, gắn với việc thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, tăng cường các hình thức tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt, hội nghị; kết hợp với các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và xây dựng mô hình sản xuất thực tế tại cơ sở với Mục tiêu là nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nông dân, giúp nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó phát triển kinh tế gia đình và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tin, ảnh: Nguyễn Tú