Qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp”, huyện Đăk Glei đã có những bước chuyển mình rõ nét trong công tác dân vận chính quyền, góp phần xây dựng chính quyền gần dân, vì dân, vì sự phát triển toàn diện và bền vững của địa phương.


Ngay từ những ngày đầu triển khai, UBND huyện đã xác định công tác dân vận là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là trong điều kiện đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Huyện đã tích cực quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Kết luận 114-KL/TW cùng các văn bản liên quan như Nghị quyết 25-NQ/TW, Quyết định 290-QĐ/TW, Chỉ thị 05-CT/TW... đến từng cán bộ, công chức, viên chức, nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong hành động.
Trong suốt chặng đường 10 năm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động dân vận luôn được chú trọng và đổi mới. Hệ thống văn bản chỉ đạo, kế hoạch công tác được ban hành kịp thời, phù hợp với thực tiễn từng thời điểm, từng đơn vị. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân vận của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được triển khai bài bản, đồng bộ, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác phục vụ Nhân dân.
Một trong những điểm nhấn nổi bật là công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số. Đăk Glei đã triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ thông qua cơ chế một cửa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt. Huyện đã xây dựng trang thông tin điện tử đáp ứng đầy đủ yêu cầu cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến; 12/12 xã, thị trấn đều có trang thông tin điện tử riêng. Tỷ lệ thủ tục hành chính phát sinh giao dịch trực tuyến đạt gần 95%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt trên 80%, đăng ký thuế điện tử đạt trên 95%.
Cùng với đó, huyện chú trọng nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng văn hóa công sở. Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đánh giá hiệu quả công tác của từng cán bộ, công chức; nâng cao ý thức phục vụ Nhân dân là những yếu tố then chốt tạo nên môi trường làm việc minh bạch, dân chủ và hiệu quả.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình. Các vụ việc được xử lý dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài. Các buổi tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện với Nhân dân, doanh nghiệp diễn ra định kỳ hằng năm đã trở thành cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền và người dân. Qua các buổi đối thoại, nhiều vấn đề nóng như đất đai, đền bù, môi trường, an sinh xã hội... đã được lắng nghe, phản hồi và xử lý kịp thời.
Phong trào “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng, sát thực tế, gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Các mô hình không chỉ tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng mà còn là minh chứng sinh động cho tinh thần đổi mới trong công tác dân vận.
Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã gặt hái những thành tựu đáng ghi nhận. Đến nay, 03/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 02 xã đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Đây là kết quả của sự chung tay, đồng lòng giữa chính quyền và Nhân dân, là thành quả của quá trình dân vận khéo léo, bài bản, sát dân, gần dân.
Song song với đó, công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội được đẩy mạnh. Mặt trận các cấp đã chủ động tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách, đặc biệt là chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân. Qua hoạt động giám sát, nhiều hạn chế, bất cập đã được phát hiện, kiến nghị điều chỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác dân vận tại một số đơn vị vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Việc quán triệt và triển khai chưa đồng đều, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chưa thường xuyên; đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở cấp xã phần lớn là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Nhiều cán bộ còn chưa thực sự sâu sát cơ sở, chưa chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân.
Để khắc phục những tồn tại này, Đăk Glei xác định các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, bao gồm: tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dân vận; cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo phù hợp với đặc thù địa phương; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; đẩy mạnh phối hợp giữa chính quyền và Mặt trận, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động nhân dân; tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và tăng cường giám sát, phản biện xã hội.
Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận cũng là nội dung được đề xuất nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Chỉ khi đội ngũ cán bộ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tinh thần phục vụ thì công tác dân vận mới thực sự đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả.
10 năm, một chặng đường chưa dài nhưng đủ để huyện Đăk Glei định hình rõ nét một phương thức vận hành chính quyền gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, lấy dân làm trung tâm, làm mục tiêu, động lực cho mọi quyết sách phát triển. Những bài học quý báu từ thực tiễn sẽ tiếp tục được địa phương vận dụng sáng tạo trong hành trình mới nhằm xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, hiện đại và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
T/h: Y Đông