Hiện nay do ảnh hưởng của cơn bão số 4/2017, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum trong các ngày 25, 26/7/2017 trên địa bàn tỉnh có khả năng mưa vừa đến mưa to trên diện rộng.
Dự báo đường đi của bão của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.
Ngày 24/7/2017, UBND huyện đã ban hành Công văn khẩn số 602/UBND-CV về tăng cường công tác phòng chống ảnh hưởng của cơn bão số 04.
Theo đó trên các sông suối mực nước sẽ lên nhanh và có lũ; biên độ lũ đạt từ 1,50-2,50 mét, mực nước lớn nhất đạt xấp xỉ và cao hơn mức báo động cấp I, xuất hiện trong đêm ngày 25 và ngày 26/7/2017.
Để chủ động phòng, chống lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá, ngập lụt … do mưa lớn kéo dài, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
1. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn:
- Nghiêm túc thực hiện chế độ trực chỉ huy, trực ứng phó phòng chống thiên tai (24/24 giờ). Thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết, tiếp nhận các Công điện; Chỉ thị; Thông báo của Trung ương, của tỉnh và của huyện về diễn biến của cơn bão số 4 để thông báo kịp thời đến từng người dân biết chủ động phòng tránh.
- Tiếp tục và chủ động triển khai thực hiện nghiêm Phương án Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 tại địa bàn quản lý.
- Kiểm tra và có biện pháp phòng chống bão lũ đối với các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội như giao thông, thủy lợi, trường học … trên địa bàn. Chủ động khắc phục sự cố, hậu quả do thiên tai gây ra khi mới phát sinh, theo phân cấp và thẩm quyền của chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Nếu quy mô mức độ ảnh hưởng thiệt hại lớn vượt quá khả năng thì báo cáo UBND huyện (qua phòng Nông nghiệp&PTNT huyện theo quy định, khẩn cấp, đột xuất) biết để chỉ đạo, tăng cường lực lượng hỗ trợ ứng phó kịp thời
- Tổ chức kiểm tra, rà soát các hộ dân, các cụm dân cư đang sinh sống tại các khu vực xung yếu dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá, ngập lụt…có biện pháp cảnh báo, thông báo kịp thời cho người dân biết để chủ động đối phó, kiên quyết di dời người dân đến nơi an toàn để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
- Triển khai thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”và “ba sẵn sàng”. Chuẩn bị các loại vật tư dự phòng, nhu yếu phẩm cần thiết, có phương án sẵn sàng huy động nhân lực, phương tiện, … tham gia cứu hộ người và tài sản khi có tình huống xấu xảy ra.
2. Các cơ quan đơn vị
Các phòng, ban, đơn vị liên quan bám sát Phương án Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã xây dựng, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác để đề phòng, chủ động ứng phó, xử lý kịp thời khi có ảnh hưởng xấu do mưa lũ gây ra. Tập trung vào các địa bàn xung yếu có nguy cơ tác động tiêu cực của mưa bão gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện:
Theo nhiệm vụ được phân công phụ trách từng địa bàn. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xuống địa bàn để nắm bắt tình hình diễn biến của mưa, bão kịp thời chỉ đạo ứng phó với các tình huống do bão gây ra. Khẩn trương khắc phục hậu quả (nếu có).
4. Phòng Nông nghiệp và PTNT:
Tham mưu phân bổ các vật tư: nhà bạt, phao cứu sinh, áo phao… cho các địa phương dễ có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ quét, sạt lở, ngập lụt… để chủ động phòng tránh khắc phục hậu quả kịp thời.
5. Chế độ báo cáo
- Thực hiện nghiêm quy chế báo cáo trong mùa mưa, bão theo Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 10/7/2009 của UBND tỉnh.
- Kịp thời xử lý các thông tin, khắc phục các thiệt hại (nếu có) và kiểm tra, tổng hợp báo cáo về UBND huyện qua phòng Nông nghiệp & PTNT (Cơ quan Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện. Số ĐT: 0603.834278) để tổng hợp báo cáo Huyện ủy, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, UBND tỉnh theo quy định.