banner
Thứ 7, ngày 28 tháng 12 năm 2024
Cách phòng bệnh sởi ở trường học, nhà trẻ
9-12-2024

Trẻ nên tiêm vaccine đúng lịch, sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc để tăng đề kháng, tránh lây nhiễm sởi trong nhà trẻ, trường học.
Bệnh sởi dễ lây lan ở trẻ nhỏ, ảnh hưởng sức khỏe gây gián đoạn học tập. Phụ huynh và nhà trường nên kết hợp phòng bệnh cho con thông qua các biện pháp sau:
Tiêm vaccine
Vaccine cần tiêm đủ hai liều, hiệu quả đến 98%. Hiện vaccine ngừa sởi tại Việt Nam gồm mũi sởi đơn, sởi - rubella và sởi - quai bị - rubella, chỉ định cho trẻ từ 9 tháng tuổi, người lớn.
Bác sĩ khuyến cáo trẻ 4-6 tuổi cần nhắc lại mũi sởi - quai bị - rubella để tăng hiệu quả miễn dịch, tùy lịch chủng ngừa trước đó. Người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử chủng ngừa cần tiêm hai mũi. Phụ nữ hoàn thành phác đồ chủng ngừa trước mang thai ba tháng.
Khử khuẩn
Virus sởi lây theo đường hô hấp, thông qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người bệnh hoặc qua tiếp xúc trực tiếp đồ vật, đồ chơi có dính mầm bệnh. Tuy nhiên, virus khó tồn tại trong môi trường, khi gặp thuốc sát trùng thì bị bất hoạt.
Nhà trường và lớp học cần thường xuyên lau sàn nhà, bàn ghế, nắm đấm cửa, vật dụng đồ chơi, khu vệ sinh chung. Nên sử dụng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường hoặc dung dịch khử trùng có chứa Clo với nồng độ 0,5% Clo hoạt tính. Phòng học, phòng ngủ tăng thông khí, đầy ánh sáng tự nhiên bằng cách mở cửa sổ, cửa ra vào.
Vệ sinh thường xuyên
Vệ sinh cũng là biện pháp phòng sởi hiệu quả. Phụ huynh và thầy cô cần hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng sau khi vui chơi, đi vệ sinh và trước khi ăn. Ngoài ra, gia đình cần cho trẻ tắm hàng ngày, thay quần áo sạch sẽ để phòng virus sởi.
Cân bằng dinh dưỡng cho trẻ
Dinh dưỡng rất quan trọng phòng ngừa bệnh sởi. Bác sĩ Thuyết khuyến cáo trẻ ăn đủ ba bữa chính và các bữa phụ nếu cần thiết, hạn chế thức ăn nhanh. Bữa ăn nên có bốn nhóm thực phẩm bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; tăng cường thực phẩm giàu chất xơ. Trẻ cần tập thói quen không ăn quà vặt, thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt, bổ sung đủ vitamin A khi mắc sởi để tránh loét giác mạc, mù mắt.
Chế độ nghỉ ngơi hợp lý
Trẻ cần có lịch sinh hoạt khoa học, đúng giờ giấc, không thức khuya và dậy muộn, ngủ trưa đầy đủ. Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng giúp trẻ khỏe mạnh, tỉnh táo và tập trung học tập. Trẻ ở tuổi mầm non cần ngủ 10-13 giờ, tiểu học và trung học cơ sở khoảng 9-11 giờ ngủ, học sinh trung học phổ thông cần 8-10 giờ mỗi ngày.
Nghỉ học khi có triệu chứng nghi sởi
Trẻ mắc sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp. Song song, gia đình thông báo ngay cho nhà trường, trạm y tế phường, xã, thị trấn để phối hợp xử lý.
Nhân viên phụ trách công tác y tế trường học rà soát những người tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi. Việc này giúp xác định tiền sử tiêm chủng và hướng dẫn chủng ngừa kịp thời. Bên cạnh đó, nhà trường cần vệ sinh, khử khuẩn lớp học.
Thực hiện: Nguyễn Tú

Số lượt xem:37
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1460934 Tổng số người truy cập: 7078 Số người online:
TNC Phát triển: