banner
Chủ nhật, ngày 12 tháng 1 năm 2025
Khuyến cáo đảm bảo an toàn PCCC dịp Tết Nguyên đán
1-2-2024

Phòng chống cháy nổ dịp tết nguyên đán là việc hết sức quan trọng để đảm bảo an toàn về người và tài sản trong dịp tết đến xuân về. Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường sản xuất để hoàn thành kế hoạch; nguyên vật liệu, hàng hóa tập kết lớn, việc tiêu thụ điện, nhiên liệu tăng cao làm tăng nguy cơ cháy, nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng. Để bảo đảm an toàn PCCC khuyến cáo người dân một số lưu ý như sau:
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh
Người đứng đầu cần quan tâm tổ chức công tác tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ công nhân viên và người lao động chấp hành nghiêm nội quy, quy định PCCC.
Tăng cường tự kiểm tra, kịp thời khắc phục những thiếu sót có thể phát sinh cháy, nổ; sắp xếp nguyên vật liệu, hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Bảo đảm các điều kiện để lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động hiệu quả; tổ chức các ca trực trong quá trình sản xuất và ngoài giờ hành chính để kịp thời phát hiện, dập tắt cháy ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Đối với các khu dân cư
Chủ tịch UBND các xã, thị trấn cần xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng và các mô hình như tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng, trang bị, kiểm tra, bổ sung đầy đủ phương tiện chữa cháy ban đầu. Xây dựng phương án chữa cháy và tổ chức cho đội dân phòng thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy sát thực tế.
Đối với hộ gia đình
Cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện, bếp đun… để kịp thời khắc phục những nguy cơ gây cháy. Tắt nguồn lửa và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
Cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã. Trang bị phương tiện cảnh báo cháy sớm, báo rò rỉ khí gas, bình chữa cháy xách tay, xà beng, nước chữa cháy và hướng dẫn các thành viên trong gia đình cách sử dụng. Chuẩn bị và thực hành phương án thoát nạn cho người và tài sản đề phòng cháy xảy ra.
Đối với mỗi người dân
Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong PCCC và CNCH, tự trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH. Thực hiện nghiêm các quy định, nội quy an toàn PCCC và CNCH.
Khi phát hiện cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh; ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu để dập lửa. Đồng thời, báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, số điện thoại 114 (sử dụng ứng dụng) hoặc gọi trực tiếp đến Đội cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Đăk Glei và tích cực tham gia chữa cháy, cứu người, cứu tài sản…
Tuyên truyền, hướng dẫn một số cách thức phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng thoát nạn khi có tình huống cháy xảy ra trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2024.
Cháy, nổ do sử dụng điện
Để phòng ngừa cháy, nổ do dòng điện quá tải, người dân cần thiết kế, lắp đặt hệ thống dây dẫn đúng tiêu chuẩn và có hệ số dự phòng.
Không tự ý thay đổi các thiết bị tự ngắt; không dùng nhiều thiết bị điện một lúc và cùng 1 ổ cắm; thường xuyên định kỳ kiểm tra hệ thống để khắc phục kịp thời những nguy cơ gây ra quá tải.
Đối với mỗi hộ gia đình phải thường xuyên kiểm tra, thay thế các đường dây điện đã cũ. Mỗi hộ dân nên trang bị 1 - 2 bình chữa cháy xách tay bằng bột hoặc khí, bảo đảm về chất lượng. Khi xảy ra cháy do sử dụng điện phải nhanh chóng cắt cầu dao điện tổng, báo Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc các cơ quan chức năng gần nhất. Dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa như bình chữa cháy xách tay, cấm dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện.
Bảo đảm an toàn PCCC khi bảo quản, sử dụng pháo hoa trong dịp Tết
Dịp Tết Nguyên đán nhu cầu mua bán, sử dụng pháo hoa của người dân rất lớn, do đó việc bảo quản, sử dụng pháo hoa không đảm bảo an toàn luôn tiềm ẩn nguy cơ có thể dẫn đến cháy, nổ. Để bảo đảm an toàn trong quá trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng pháo hoa, Công an Huyện khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần lưu ý một số nội dung như sau:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi bảo quản, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo phải chấp hành nghiêm các quy định tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; QCVN 04: 2021/BCA quy định về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo hoa, pháo hoa nổ.
-  Cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn sử dụng pháo hoa phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và chỉ được sử dụng pháo hoa (không tiếng nổ) trong các dịp sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị... mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Tuyệt đối không được mua bán, sử dụng pháo “lậu”.
- Khi vận chuyển cần phải nhẹ nhàng, không để pháo va đập mạnh, tránh vận chuyển gần các nguồn sinh nhiệt và lửa. Phương tiện vận chuyển cần phải có những dụng cụ che mưa nắng, tránh ảnh hưởng của điều kiện thời tiết và môi trường.
- Chỉ nên mua pháo hoa với số lượng đủ dùng theo mục đích sử dụng, không nên mua số lượng lớn để dự trữ, Bảo quản pháo hoa cần phải xếp riêng từng loại, từng lô khác nhau để tránh nhầm lẫn, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt, không để vật nặng tì đè lên pháo hoa, để pháo hoa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, bao gói, che chắn, chống va đập và tàn lửa, tránh xa tầm tay của trẻ em.
- Bảo quản pháo ở vị trí an toàn; Sử dụng pháo hoa phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi sử dụng cần đặt pháo hoa ở nơi bằng phẳng, rộng, cách xa những vật liệu bắt cháy tối thiểu 4m đến 5m. Khoảng cách an toàn nhất là 10m. Địa điểm đặt giàn pháo phải là nơi bằng phẳng, rộng, cách xa các vật liệu, hàng hoá dễ cháy, không gian trên cao phải bảo đảm thông thoáng, không có vật cản;  Tuyệt đối người dân không sử dụng pháo hoa tại nơi gần hoặc chứa các chất, vật liệu dễ cháy nổ như: xăng, cồn, dầu…các cơ sở sản xuất, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, nhà máy điện, trạm biến áp, kho vũ khí…; khi đặt pháo hoa lên trên vật liệu dễ cháy cần phải lót bên dưới vật liệu chống cháy. Người dân cũng có thể làm ẩm xung quanh với bán kính tối thiểu 2m từ vị trí đặt pháo.
- Không sử dụng pháo hoa ở trong nhà hoặc những không gian có mái che, trên cao phải thông thoáng, không có vật cản, đường dây diện…
- Khi pháo đã cháy hết cần phải để nguội trong khoảng thời gian tối thiểu 15 phút, người dân cũng có thể tưới ướt pháo để không còn tàn lửa rồi mới cho vào thùng rác.
Đối với các cơ sở tín ngưỡng - tôn giáo
Tổ chức trang bị và kiểm tra các thiết bị PCCC tại cơ sở tín ngưỡng - tôn giáo, quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn điện, các thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt có thể xảy ra trong cơ sở.
Bố trí nơi thắp hương, đốt vàng mã hợp lý, an toàn. Thường xuyên kiểm tra việc sử dụng hương, nến trên các ban thờ, hệ thống điện, sắp xếp ban thờ, các đồ thờ cúng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và phát hiện, ứng đối kịp thời khi cần thiết.
Cháy, nổ từ các nguyên nhân khác
Nên lưu ý đề phòng các nguyên nhân khác gây sự cố, cháy, nổ trong gia đình như: điện thoại di động, thiết bị sạc, việc thờ cúng, nấu nướng...
Đồng thời, tuân thủ một số biện pháp cơ bản sau:
Những vật dễ gây sự cố, cháy, nổ trong gia đình như bếp gas, bật lửa, bông gòn… nên để ở nơi thoáng mát, kín đáo hoặc có thể đặt gần nơi có thiết bị chữa cháy.
Mô tô, ô tô là các phương tiện sử dụng nhiên liệu xăng, dầu nên cũng dễ gây sự cố, cháy, nổ khi để trong nhà ở phải cách xa bếp gas, các thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu phải được khóa kín lại. Như vậy, vừa tránh trường hợp cháy, nổ, vừa tránh bốc mùi gas ảnh hưởng tới sức khỏe  của chính bạn và người thân trong gia đình.
Nếu muốn dự trữ xăng dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy thì không nên để gần bếp lửa, nguồn nhiệt
Những thiết bị điện như: bàn là, nồi cơm điện, bếp điện… nên để xa tầm tay trẻ em, người già.
Đặt nơi thờ cúng hợp lý, phía trên bàn thờ nên sử dụng vật liệu không gây cháy. Khi đốt vàng mã phải trông coi, luôn luôn che chắn khi đốt để tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây hỏa hoạn.
Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, bếp gas, nơi thờ cúng có an toàn chưa. Tắt mọi thiết bị điện không cần thiết.
Trường hợp nhà có nhiều cửa, có nhiều khóa, nên sử dụng các loại khóa, kiểu chìa khóa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khóa dễ thấy.
Tương tự với các thiết bị PCCC, bình chữa cháy cũng nên để ở nơi dễ thấy, dễ lấy phòng trường hợp đám cháy xảy ra bất ngờ.
Hướng dẫn quy trình, phân biệt và cách sử dụng bình chữa cháy cho mọi người trong gia đình cùng biết để kịp thời ứng phó khi rủi ro xảy ra.
Đối với các gia đình có trẻ nhỏ, người già hay người tàn tật thì phải có biện pháp, thiết bị PCCC phù hợp. Đặc biệt, không nên khóa cửa phòng ngủ của họ.
Trong nhà tắm luôn luôn để một số xô (thùng) có nước để phòng khi có đám cháy nhỏ xảy ra sẽ kịp thời ứng biến.
Đối với các cơ quan, doanh nghiệp cần tuân thủ thực hiện nội quy, quy định về PCCC. Duy trì thường xuyên chế độ và quy trình tự kiểm tra PCCC trong cơ sở (kiểm tra định kỳ và đột xuất). Chú trọng kiểm tra tổng thể các thiết bị điện, táp lô điện, định kỳ bảo trì, sửa chữa những hư hỏng để bảo đảm an toàn PCCC về điện. Có quy định chặt chẽ, cụ thể về việc thực hiện quy định PCCC của cán bộ, công nhân, viên chức. Khi hết giờ làm việc, trước khi ra về ngắt hết các thiết bị điện, tránh gây lãng phí, hao tổn điện năng, cần trang bị hệ thống rơle, cầu chì chuẩn có thể tự ngắt điện khi xảy ra sự cố.


Tin: Y Đông

Số lượt xem:1342
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1488734 Tổng số người truy cập: 926 Số người online:
TNC Phát triển: