banner
Chủ nhật, ngày 28 tháng 7 năm 2024
Quan tâm bảo vệ, tu bổ Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Đăk Glei
1-5-2024
 
Toàn cảnh Khu di tích lịch sử Ngục Đăk Glei, huyện Đăk Glei
 
Lịch sử hình thành.
Ngục Đăk Glei được Thực dân Pháp xây dựng năm 1932 gồm Khu đồn canh gác, Khu “Căng an trí” và Khu nhà Ngục; là nơi giam giữ các chiến sĩ cộng sản trong phong trào cách mạng 1930 -1931 và 1936 -1939 nhằm cách ly những nhà hoạt động cách mạng có tầm ảnh hưởng với âm mưu kiểm soát toàn bộ Tây Nguyên trong đó có những chiến sỹ cách mạng ưu tú như đồng chí Tố Hữu, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân... Sau sự kiện nhà thơ Tố Hữu vượt Ngục vào năm 1942, thực dân Pháp chuyển toàn bộ tù binh tại đây về giam cầm tại Ngục Đăk Tô.
Ngày 30/12/1991, Ngục Đăk Glei được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 2307/QĐ-BT; đây là một biểu tượng đầy tự hào cho tinh thần đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng của đồng bào các dân tộc huyện Đăk Glei nói riêng và cả nước nói chung.
Tiềm năng phát triển du lịch.
Nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, Ngục Đăk Glei được bao quanh bởi sông suối thơ mộng, núi non hùng vĩ, khi hậu quanh năm mát mẻ khiến nơi đây trở thành một địa điểm du lịch về nguồn lý tưởng, kết hợp với không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào ngày 25/11/2005, lễ hội mừng Lúa mới, lễ hội đâm Trâu của đồng bào các dân tộc thiểu số trong khu vực, Vườn Di sản ASEAN Ngọc Linh...; Ngục Đăk Glei dần trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng tổng hòa trong bức tranh du lịch của địa phương; Mỗi năm đón từ 300-500 khách du lịch đến tham quan; Riêng trong Quý I năm 2024 Ngục Đăk Glei đón khoảng 1.500 khách du lịch trong và ngoài tỉnh; tuy nhiên hoạt động du lịch còn mang tính tự phát.
Bảo tồn và khôi phục Di tích lịch sử
Công tác bảo dưỡng, tái tạo cấu trúc kiến trúc và các hoạt động giáo dục lịch sử đang được triển khai nhằm giữ gìn và tái hiện lại một phần quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Những bức tượng được Khôi phục, tái dựng lại tại  khu di tích
 
 Một số công trình cần phải đầu tư, phục chế lại hoàn toàn và theo thời gian, một số hạng mục công trình đã xuống cấp nên UBND huyện Đăk Glei đã chủ động nguồn kinh phí để đầu tư nhằm bảo tồn và khôi phục di tích Ngục Đăk Glei; năm 2015 đầu tư 34,5 tỷ đồng, năm 2022 là 4,7 tỷ đồng; trong đó chú trọng đầu tư các hạng mục như nhà quản lý, nhóm tượng Composite, nhà bảo vệ, nhà đồn, Căng an trí, ống thoát nước nhà biệt giam, nhà để xe, nhà trưng bày, bậc cấp đi bộ, hệ thống điện chiếu sáng...; đồng thời, UBND huyện cũng xây dựng Đề án phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2025, đưa Khu Di tích này trở thành một trong những điểm đến trong tuyến du lịch Kon Tum - Đà Nẵng. Tuy nhiên, do vị trí di tích nằm tách biệt, xa trung tâm, xung quanh là núi cao, sông suối, khí hậu ẩm ướt, mưa nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Ông Nguyễn Văn Hiềng – Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Đăk Glei cho biết: Khó khăn nhất trong thi công của Dự án Ngục Đăk Glei đó là mùa mưa đường xá khó khăn nên vận chuyển khó. Mặc dù vậy, đến nay cơ bản các hạng mục làm mới và sửa chữa đều đúng tiến độ đề ra. Tranh thủ thời tiết khô ráo lực lượng nhân công đang cố gắng hết mình để hoàn thiện những phần việc còn lại, qua đó, công trình di tích lịch sử Ngục Đăk Glei đã sẵn sàng đón du khách và người dân đến tham quan vào dịp 30/4 năm nay. Đặc biệt, là hướng tới kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk pék, giải phóng hoàn Đăk Glei (16/5/1974-16/5/2024).
Sự phát triển đầu tư của di tích Ngục Đăk Glei không chỉ có giá trị lịch sử quá khứ hào hùng của dân tộc mà còn mang lại tiềm năng phát triển du lịch tạo ra cơ hội phát triển kinh tế xã hội đối với cộng đồng địa phương. Vì vậy, việc tăng cường dịch vụ du lịch và phát triển các ngành nghề liên quan như dịch vụ ẩm thực, lưu trú, mua sắm địa phương cần được chú trọng cùng với đó là tạo cơ chế và bố trí thêm vốn để có thể thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu di tích.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh- Giám đốc Trung tâm VH, TT, DL&TT huyện Đăk Glei cho biết: Đã đề nghị sở văn hóa, cũng như UBND tỉnh bố trí biên chế về cho huyện Đăk Glei. Bởi công tác quản lý khu di tích hiện nay do Trung tâm văn hóa chúng tôi hiện nay rất là ít người, trong khi đó, tài sản của di tích thì rất là nhiều cho nên cần phải tăng cường công tác bảo vệ nhưng Trung tâm chỉ có 1 người bảo vệ ngục nên việc thay thế hay bảo vệ cũng rất khó khăn.
Anh A Bê – Bí thư đoàn xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei chia sẻ: Qua đây cũng mong muốn Khu có Ban quản lý để làm sao quản lý được người dân, Du khách tự phát đến tham quan. Tuy nhiên, điều đó cũng tốt thôn để người dân tìm hiểu về di tích lịch sử. Tuy nhiên trong quá trình họ vào tham quan thì phá một số công trình, xả rác mình không biết được.
Để sớm hoàn thành việc đầu tư Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei cần được xã hội hóa từ chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng bằng sự hợp tác đa phương, từ đó không chỉ giúp bảo tồn và khôi phục di tích lịch sử mà còn là một điểm đến hấp dẫn và ý nghĩa cho du khách, góp phần phát triển du lịch của khu vực, quảng bá về đời sống văn hóa tạo ra cơ hội phát triển kinh tế xã hội bền vững./.
Thực hiện: Nguyễn Tú
 
 
 

Số lượt xem:599
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1091430 Tổng số người truy cập: 5177 Số người online:
TNC Phát triển: