Bước vào kỷ nguyên mới, việc tinh gọn bộ máy không chỉ là một yêu cầu cấp thiết để tối ưu hóa nguồn lực, mà còn là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là một nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm và đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, nhằm tạo ra một bộ máy quản lý hiệu quả, linh hoạt, và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Việc tinh giản bộ máy không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng hành chính, mà còn mở ra cơ hội để phát huy tối đa sức mạnh sáng tạo và năng lực của từng cá nhân, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai phát triển thịnh vượng.
ảnh internet
Mặc dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận từ sau khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, hệ thống tổ chức bộ máy vẫn đối mặt với nhiều vấn đề cần xử lý. Các cấp, ngành vẫn còn tình trạng nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối, làm giảm hiệu quả quản trị và lãng phí nguồn lực. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa được tái cơ cấu một cách hợp lý, dẫn đến sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Điều này không chỉ gây cản trở trong việc triển khai chính sách mà còn làm giảm sút tính sáng tạo, chủ động của cán bộ, tạo ra tình trạng “đùn đẩy trách nhiệm” và thậm chí phát sinh tiêu cực.
Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ trong phân cấp, phân quyền cũng là một tồn tại lớn. Một số bộ, ngành vẫn “ôm đồm” nhiệm vụ của địa phương, trong khi vai trò tự quản của chính quyền địa phương chưa được phát huy. Việc tinh giản biên chế chủ yếu tập trung vào giảm số lượng nhưng chưa đi đôi với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Thực tiễn đa số các nước trên thế giới cho thấy, ngân sách chi cho lương, chi thường xuyên chỉ vào khoảng 40 - 50% tổng ngân sách, trong khi tại Việt Nam, con số này luôn gần 70%. Đáng chú ý, mặc dù chi lớn như vậy nhưng không phải do chi trả lương cao mà do số lượng biên chế quá nhiều. Có thể coi đây là một trong những biểu hiện cho thấy tính “cồng kềnh” của bộ máy hiện nay. Và đương nhiên, khi chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn sẽ làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bộ máy cồng kềnh không chỉ gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách rất trúng, rất đúng, song chậm đi vào thực tiễn cuộc sống. Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo. Năng suất lao động, hiệu suất công tác, hiệu lực, hiệu quả hoạt động vì vậy cũng thấp đi. Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nếu không được xử lý sớm và quyết liệt sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Trung ương thống nhất cao về nhận thức, quyết tâm thực hiện chủ trương tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; yêu cầu xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở; quyết tâm hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết số 18 và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị trong quý I/2025.
Tổng Bí thư yêu cầu, việc tổng kết phải được tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị; triển khai thực hiện khẩn trương nhưng đảm bảo thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, tiếp thu ý kiến từ tổng kết thực tiễn, từ các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm nước ngoài để tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, cơ chế vận hành, trách nhiệm cụ thể, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; chia cắt về địa bàn, lĩnh vực.
Thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ thực chất; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Tổng Bí thư nêu rõ, yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân. Triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phải gắn với bảo đảm thực hiện tốt cả nhiệm vụ quan trọng là tăng tốc bứt phá để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, năm 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Thực hiện: Nguyễn Tú