Nhằm giúp cho các học viên cũng cố những kiến thức cơ bản nhất về lý luận chính trị đã được học trên lớp, đồng thời giúp học viên hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế, xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum; hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Được sự nhất trí của Ban Thường vụ Huyện uỷ Đăk Glei, Trung tâm Chính trị huyện đã tổ chức cho học viên lớp Sơ cấp lý luận chính trị khoá X (năm 2023) tham quan, trải nghiệm thực tế tại huyện Ia H’Drai, Khu kinh tế Cửa khẩu Bờ Y, tham quan Cột mốc biên giới ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Tham gia chuyến hành trình có đồng chí A Phương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Đại diện BTC Huyện uỷ; Văn phòng huyện ủy; Giảng viên Trung tâm chính trị huyện và 38 học viên của lớp.
Tham quan lòng hồ thủy điện Sê San
Vượt qua gần 200km, Đoàn đã đặt chân đến huyện biên giới Ia H’Drai. Theo sự dẫn dắt, hướng dẫn tận tình của Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh giảng viên Trung tâm chính trị huyện Ia H’Drai; học viên được nghe về quá trình Thiên nhiên và con người tạo ra “Lòng hồ Thủy điện Sê San”, dòng sông Pô Cô huyền thoại nằm trên vùng đất biên giới đoạn tiếp giáp giữa xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai và xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum với những cảnh đẹp đặc sắc, hấp dẫn của sông núi cùng nét văn hóa truyền thống rất ấn tượng của các dân tộc sinh sống nơi đây. Các học viên ngỡ ngàng trước Một vùng sông nước hoang sơ, đẹp và hấp dẫn; Được biết, Dòng sông không chỉ cung cấp nguồn năng lượng dồi dào để phát triển hệ thống thủy điện mà còn chứa đựng trong lòng nó nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng với nhiều loại cá quý hiếm, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương. Tại đây, các học viên thỏa thích vẫy vùng trong dòng nước trong veo; ngắm thác Suối Mơ, tham quan mô hình nuôi cá lồng bè của làng chài trên lòng hồ Sê San, làng chài xinh đẹp này thu hút mọi người bởi nét mộc mạc, giản dị từ cảnh vật cho đến con người. Ngoài ra, các học viên còn được nghe tìm hiểu tình hình kinh tế địa phương và những mô hình kinh tế hay.
Học viên Y Tim hào hứng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được đặt chân đến đây, chúng em không những được chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi đây mà còn được biết thêm về những mô hình hay, cách làm hiệu quả để phát triển kinh tê. Sau chuyến tham quan bổ ích này về đơn vị, địa phương em sẽ triển khai truyền thụ những cái hay mà em đã trải nghiệm đến bà con nhân dân nơi em đang sinh sống và làm việc”.
Tạm biệt vẻ đẹp hiền hòa, mềm mại và thơ mộng của Sê san, các học viên di chuyển đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y và cột mốc ngã ba biên giới Đông Dương thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Cửa khẩu quốc tế Bờ Y được xem là khu kinh tế động lực, trung tâm trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, Có vị trí rất thuận lợi đối với giao lưu phát triển với các vùng kinh tế trọng điểm của các nước; đến với cột mốc ba biên nằm trên đỉnh núi cao 1.086m so với mặt nước biển. Cột mốc có hình trụ tam giác làm bằng đá hoa cương, quanh 3 mặt là Quốc huy và tên ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Những ngày này, cột mốc ba biên thu hút một lượng đông khách du lịch đến tham quan, du lịch. Họ đến đây để tìm hiểu về cột mốc, về chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ, và nhất là để lưu lại những khoảng khắc đẹp bên sắc vàng hoa dã quỳ đang kỳ rực nở. Tại đây đã để lại trong lòng mỗi học viên một cảm xúc riêng biệt khó tả về sự phấn khởi, tự hào khi đã chinh phục được một đỉnh cao thiêng liêng của Tổ quốc tại biên cương.
Học viên Nguyễn Bá Vương xúc động nói : “Khi được đứng ở đây, em thấy rất tự hào về thế hệ ông cha ta đã gìn giữ biên cương của Tổ quốc; và em rất cảm ơn Thầy cô trung tâm chính trị đã tạo điều kiện cho chúng em được trải nghiệm chuyến tham quan thực tế này.”
Chụp hình lưu niệm tại cử khẩu Quốc tế Bờ Y
Tham quan, trải nghiệm thực tế dành cho các học viên học tại Trung tâm chính trị huyện Đăk Glei là hoạt động thường xuyên nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp học viên cập nhật kiến thức thực tế và có cái nhìn cận cảnh hơn khi về cơ quan, đơn vị làm việc. Năm 2023, hoạt động này ngày càng được chú trọng, nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng. Từ đầu năm đến nay trung tâm đã tổ chức cho 8 lớp đi nghiên cứu học tập qua tham quan thực tế.
Đánh giá nhận xét về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm chính trị, đồng chí A Phương - Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND huyện cho biết “Thường trực huyện uỷ đánh giá cao về những cách làm hay, sáng tạo của tập thể giảng viên Trung tâm chính trị. Đặc biệt là hình thức dạy học gắn lý luận với thực tiễn bằng cách tổ chức cho học viên các lớp đi học tập qua tham quan, nghiên cứu thực tiễn; hình thức tổ chức này đã tạo được niềm vui, sự hứng khởi, thu hút được đông đảo học viên đến tham gia học tập tại trung tâm. Tôi đề nghị trong thời gian tới Trung tâm chính trị cần phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời phải xây dựng kế hoạch chi tiết, dự trù kinh phí cụ thể để tổ chức cho nhiều lớp đi tham quan, nghiên cứu thực tiễn từ đó từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho huyện nhà”.
Hành trình tham quan thực tế dành cho lớp sơ cấp lý luận chính trị khóa X của Trung tâm chính trị huyện Đăk Glei diễn ra thành công tốt đẹp, bổ ích, là cơ hội để các học viên khảo sát, học tập, nghiên cứu và tích lũy thêm kiến thức thực tiễn. Vì vậy, không chỉ ngoài mục đích làm cơ sở thực tế cho báo cáo thực tập tổng hợp đây còn chính là một cơ hội vô cùng tuyệt vời cho các bạn học viên được vận dụng những kiến thức được học vào thực tế công tác vào cuộc sống, chủ động, tích cực tham gia cùng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện những nhiện vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và vận động nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, đơn vị ngày càng vững mạnh.
Tin, ảnh: Trần Hữu Thìn - Trung tâm Chính trị huyện