banner
Thứ 4, ngày 8 tháng 1 năm 2025
Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
17-1-2024
Chiều ngày 16/1/2024, tại Hội trường Ngọc Linh (TP Kon Tum), UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Kon Tum, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Kon Tum có Phó Thủ tướng Chỉnh phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đồng chí Dương Văn Trang -  Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum; lãnh đạo các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
 
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu huyện Đăk Glei
 
Tham dự tại điểm cầu huyện Đăk Glei có đồng chí A sô Lai- UVBTV, Phó chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Plong Phan – UVBTV, Trưởng ban dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện; đồng chí Rơ Châm Định – HUV, Phó chủ tịch UBND huyện; Đại diện Lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện.
Tại Lễ công bố Quy hoạch, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, Kon Tum có diện tích tự nhiên 9.677,3km2; 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Kon Tum và các huyện: Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Ia H'Drai, Ngọc Hồi, Kon Plông, Kon Rầy, Tu Mơ Rông.
Theo đó, việc quy hoạch phát triển tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tính phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.
Trong đó, Kon Tum phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng; đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động; phát huy tối đa nhân tố con người, lấy đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển giáo dục - đào tạo là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Cùng với đó, tỉnh phát triển kinh tế theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, toàn diện, nhanh và bền vững; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, khai khoáng, chế biến, chế tạo và du lịch là mũi nhọn đột phá.
Đồng thời, Kon Tum phát triển xã hội văn minh, thân thiện trên cơ sở đảm bảo các chỉ tiêu và kết cấu hạ tầng xã hội. Trong đó, tỉnh sắp xếp lại hệ thống đô thị, các điểm dân cư nông thôn trên cơ sở ưu tiên phát triển các đô thị có sức hút lớn, tạo ra nhiều việc làm và dịch vụ xã hội, gắn với các khu, điểm kinh tế chuyên ngành, tạo lực kéo đẩy mạnh, nhằm đẩy nhanh tốc độ và mức độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đô thị; sắp xếp và bảo tồn hệ thống các điểm dân cư nông thôn theo hướng nông thôn mới và đề cao sắc thái dân tộc.
Tỉnh tổ chức không gian chiến lược cho các hoạt động kinh tế - xã hội gắn với các định hướng phát triển quan trọng đã được xác lập; đồng thời đề xuất các yếu tố mới trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trong mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với các vùng xung quanh, trong sự hợp tác cùng có lợi.
Bên cạnh đó, Kon Tum tập trung đầu tư phát triển và quản lý đô thị theo hướng xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và bản sắc rõ ràng... nhằm đảm bảo các nguyên tắc: Gần tương ứng, cân đối lãnh thổ, kết hợp các chuyên ngành theo lãnh thổ, có tập trung, có phân tán, phù hợp với môi trường và quốc phòng an ninh nhằm đảm bảo phát triển định và bền vững.
Ngoài ra, tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng gắn với bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, giữ vững cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và thân thiện với môi trường.
Tỉnh Kon Tum gắn phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị, nâng cao hoạt động đối ngoại; tăng cường liên kết phát triển hợp tác với các tỉnh, thành phố, các vùng trong nước, khu vực và quốc tế.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Tỉnh phấn đấu trở thành một trong những địa phương trung bình khá của cả nước; là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch Măng Đen; kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN.
Tỉnh Kon Tum cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2050 trở thành một cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mê Kông; là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; có nền tảng kinh tế đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế.
Kon Tum xác định xây dựng hoàn chỉnh nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; môi trường đầu tư năng động, thông thoáng, minh bạch, thân thiện. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng hạnh phúc, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 
Phát biểu tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Quy hoạch sẽ là "kim chỉ nam" để các cấp, ngành của tỉnh Kon Tum hoạch định các chính sách, giải pháp cụ thể trong quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội, không gian phát triển; tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2030 với 4 trụ cột chính: Phát triển Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.
Cùng với đó, tỉnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế và công nghiệp thủy điện, phát triển năng lượng tái tạo; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, trọng tâm là xây dựng khu du lịch Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực.
Tỉnh phát triển kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ dựa trên việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực trọng điểm. Trong đó, phát triển thành phố Kon Tum thành một thành phố hiện đại, sôi động và bền vững với bản sắc riêng; là điểm nhấn về phát triển đô thị của khu vực Bắc Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng tin tưởng, với tiềm năng, lợi thế, dư địa hiện có cùng với đội ngũ lãnh đạo năng động, đoàn kết, có tầm nhìn, quyết tâm chính trị cao và sự chung sức đồng lòng của quân và dân các dân tộc, Kon Tum sẽ trở thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển mà quy hoạch đề ra; góp phần cùng với các địa phương khác trên cả nước chung tay xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp - văn minh - hiện đại.
Chính phủ cùng các Bộ, ngành Trung ương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng với chính quyền và Nhân dân tỉnh Kon Tum trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.


Thực hiện: A Lộc – Nguyễn Tú
 

Số lượt xem:1023
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1484671 Tổng số người truy cập: 2192 Số người online:
TNC Phát triển: