Những năm qua Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào đã được hỗ trợ về vốn, cây con giống, kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, từ đó nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Mô hình nuôi heo và cây cà phê của gia đình anh A Bờm ở thôn Đăk Ung, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei
Trong những năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, được thụ hưởng từ các Chương trình dự án của nhà nước để phát triển kinh tế gia đình, trong những ngày cuối tháng 8 này chúng tôi đã có dịp đến thăm gia đình anh A Bờm ở thôn Đăk Ung, xã Đăk Nhoong. Được sự hỗ trợ của nhà nước từ năm 2020, đã triển khai mô hình nuôi heo thịt kết hợp trồng Cà phê; nhờ biết chăm sóc đúng kĩ thuật, đàn heo của gia đình anh phát triển tốt. Hiện tại, trong chuồng gia đình anh có 25 con heo thịt. Không dừng lại ở đó, gia đình anh còn trồng thêm 400 cây cà phê trên diện tích 1ha.
Anh A Bờm – Thôn Đăk Ung, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của nhà nước về hỗ trợ con giống và cây giống đến nay đã cho thu nhập, mỗi năm trừ tất cả chi phí gia đình tôi thu nhập được hơn 100 triệu đồng.”
Mô hình trồng cây thông của Hộ gia đình anh A Hiệu tại thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei
Không chỉ riêng gia đình anh A Bờm ở thôn Đăk Ung mà hộ gia đình anh A Hiệu tại thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong cũng thấy được từ việc hưởng lợi về kinh tế mà các chương trình dự án mang lại. Những năm về trước gia đình anh rất khó khăn, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cũng chỉ đủ ăn, cách đây không lâu anh được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động thực hiện mô hình trồng cây thông trên đất đồi bạc màu với diện tích gần 1ha. Hiện tại, cây thông đã phát triển xanh tốt. Được biết, sắp tới dịch vụ môi trường rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Glei sẽ tiền hành lập hồ sơ để hộ gia đình anh thụ hưởng dịch vụ môi trường rừng và đồng thời giao cho hộ gia đình anh quản lý rừng thông này.
Anh A Hiệu - Thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei cho biết:“Trước đây tôi trồng cây mỳ nhưng không đem lại thu nhập cao nên qua hỗ trợ của chính quyền tôi đã chuyển sang trồng cây thông. Qua 5 năm, tôi thấy cây thông tốt; thời gian tới tôi sẽ trồng thêm cây thông để phát triển kinh tế.”
Các mô hình kinh tế được triển khai hiệu quả
Giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng. Xã Đăk Nhoong triển khai 10/10 Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã chủ trì triển khai một số dự án, tiểu dự án gồm giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Đến thời điểm này, người dân đã biết áp dung khoa học vào sản xuất chăn nuôi, tỉ lệ hộ nghèo giảm 1,14%.
Ông A Tải - Phó chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei cho hay: “Đối với địa phương thực hiện chương trình giảm nghèo quốc gia. Hiện nay, sau khi được chủ trương cấp về tại địa phương thực hiện nội dung này thật sự được bà con rất quan tâm và rất ủng hộ, đối với địa phương ở đây là một xã biên giới là một vùng đặc biệt khó khăn cho nên rất mong muốn các cấp thẩm quyền tiếp tục quan tâm và hỗ trợ đối với chương trình giảm nghèo này để mà bà con tiếp tục nâng lên, phát triển kinh tế.”
Toàn cảnh khu dân cư thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei nhìn từ trên cao
Việc thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không những góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế. Đồng thời, nhờ vào chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đã góp phần giúp cho nhiều hộ gia đình phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững.
Tin, ảnh: A Lộc – Nguyễn Tú