Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Nguồn lây chính của bệnh lao là những bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Người bị lây do hít phải vi khuẩn lao của bệnh nhân lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc trong thời gian dài và liên tục.
ảnh minh họa
Những người mắc bệnh lao thường có các biểu hiện: Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu). Người bệnh gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi "trộm" ban đêm, kèm theo đau ngực, đôi khi khó thở.
Khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Nếu bị mắc lao, người bệnh sẽ được điều trị theo phác đồ, có sự giám sát chặt chẽ của bác sỹ. Thuốc chữa lao được cấp miễn phí. Người dân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, hoặc chữa thuốc Nam, hay chữa trị tại phòng khám tư.
Cách phòng chống bệnh lao:
- Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm vắc-xin phòng lao (BCG) nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao;
- Mỗi người khi bị ho kéo dài hơn 02 tuần, cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang phổi để phát hiện bệnh lao;
- Người bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị; cần phơi chăn, chiếu, vật dụng ra nắng mỗi ngày;
- Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý;
- Phát hiện sớm người mắc bệnh Lao điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác.
Thực hiện: Nguyễn Tú