Cây Mai dương mọc rất khỏe, không kén đất, sinh sản và phát triển rất mạnh sau khi bị cháy, nảy chồi mạnh trên các gốc đã bị chặt nên rất khó khăn và tốn kém trong phòng trừ. Loại cây này không chỉ ảnh hưởng đến trồng trọt, chăn nuôi mà còn cản trở việc đi lại, vận chuyển nông sản và phát triển nuôi trồng thủy sản; ngăn cản dòng chảy của sông, suối.
Cây Mai dương (Mimosa pigra), Hay còn có tên khác như: Cây trinh nữ đầm lầy, trinh nữ nhọn, cây mắt mèo, cây xấu hổ.
Đây là loại cây bụi, đa niên, thường mọc ở nơi đất trống, ẩm ướt, có khả năng mọc nhanh sau khi bị chặt hạ. Cây có thể cao đến 6m, phân thành nhiều nhánh, thân và cành có nhiều gai nhọn, khi tươi rất giòn nhưng khi khô lại rất dai và cứng, khó đốt cháy. Khu vực bị cây này xâm lấn thì rất ít cây cỏ khác có thể cạnh tranh.
Cây mọc hoang dại lấn chiếm đất canh tác, cản trở việc đi lại trên đồng ruộng, ngăn cản dòng chảy, ảnh hưởng đến SX nông nghiệp, gây sát thương cho người và gia súc. Sự xâm lấn của cây mai dương đang trở thành mối nguy hại đối với những vùng đất màu ven sông, suối, lề đường, trên đồi, mà chúng mọc ở đâu thì hệ thực vật ở đó sẽ bị tiêu diệt, sâu bọ không ăn được, chim chóc không dám đậu, động vật không dám tới gần.
Bên cạnh đó, cây mai dương còn làm cho đất nghèo dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật do cây chứa chất mimosin (loại acid amin có thể gây độc với nhiều loại thực vật). Thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước…
Được biết, mai dương là loại cây dại, có sức sống mãnh liệt, phát tán nhanh qua hạt, đặc biệt có khả năng tái sinh bằng thân và gốc là rất lớn. Nếu người dân chặt cây mẹ đốt thì từ gốc của cây mẹ sẽ tái sinh 4- 5 chồi non, hạt nếu bị đốt sẽ nẩy mầm với mật độ từ 15-120 cây/m2.
Cây mai dương có khả năng xâm lấn mãnh liệt, đặc biệt tăng trưởng rất nhanh về chiều cao và tốc độ 1cm/ngày, có thể ra hoa đậu quả sau 6 tháng. Trung bình 1 năm, 1 cây mai dương ra hoa 12 lần, mỗi lần sản sinh từ 6.000- 9.000 hạt với cấp số nhân, tỷ lệ nảy mầm rất cao.
Hạt của cây mai dương có lớp lông để bám có thể nổi trên mặt nước, dễ lan ra trên diện tích rộng trong mùa mưa lũ, đặc biệt hạt nếu luộc sôi, hoặc đốt vẫn có thể nảy mầm, trong khoảng 20 năm vẫn mọc cây. Với những đặc tính gây hại như vậy, từ năm 2000, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã xếp cây mai dương là 1 trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại hậu quả nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, hạt của cây mai dương rơi xuống, theo nước trôi tới đâu sẽ mọc cây tới đó. Do vậy, cần phải tiêu diệt chúng trước mùa mưa để hạn chế sự nảy mầm, sinh sôi. Cần thiết có thể sử dụng hóa chất với nồng độ cho phép. Nếu không có giải pháp căn cơ, tiêu diệt kịp thời thì kinh phí Nhà nước bỏ ra để diệt trừ loại cây này về sau là rất lớn.
Thực hiện: Nguyễn Tú