Không chỉ là một nhạc cụ, cồng chiêng còn có chức năng như một sợi dây linh thiêng, nối liền giữa con người với thần linh. Cồng chiêng có mặt trong mọi giai đoạn sống của con người: từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến khi giã biệt cõi đời, cũng như có mặt trong mọi hoạt động cộng đồng của người Tây Nguyên: mừng lúa mới, cưới hỏi hay ma chay…
Vì những lẽ đó, Trong thời gian qua, huyện Đăk Glei đã có nhiều chính sách cũng như các hoạt động thực tiễn, nhằm bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.
Lễ bàn giao cồng chiêng cho câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian thôn Măng Rao- xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei
Giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn huyện đã trang bị 17 bộ cồng chiêng, trống cho 17/45 thôn/làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chưa có cồng chiêng, đạt 37,7% chỉ tiêu.
truyền dạy cồng chiêng xoang và hướng dẫn đánh chiêng của nghệ nhân A Phoi cho đội cồng chiêng nhí của thôn Đăk Tu xã Đăk Long
Tiết mục tham dự Hội thi Liên hoan Cồng chiêng - Xoang học sinh dân tộc thiểu số năm 2023
Đồng thời, các nghệ nhân đã tích cực tham gia các lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, múa xoang cho các đội văn nghệ truyền thống trên địa bàn huyện; Hàng năm, huyện tổ chức Hội thi Cồng chiêng, Liên hoan Cồng chiêng gắn với Ngày hội văn hóa các dân tộc; Hội thi cồng chiêng xoang cho học sinh các trường học có cấp tiểu học - THCS trên địa bàn huyện;…
Quang cảnh lễ khai mạc lớp truyền dạy cồng chiêng xoang tại xã Đăk Plô
Việc Tổ chức truyền dạy về kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa (xoang) và các bài chiêng truyền thống cho các làng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ được huyện đặc biệt chú trọng quan tâm; đến nay, trên địa bàn huyện đã tổ chức 04 lớp truyền dạy 6 cồng chiêng, xoang trong các thôn/làng; Cùng với đó, đưa di sản văn hóa cồng chiêng vào các trường học tích hợp lồng ghép nội dung di sản văn hóa trong các môn học tại nhà trường phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Huyện Đăk Glei lưu giữ các bộ cồng chiêng quý tại phòng truyền thống
Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa Cồng chiêng, trong thời gian tới huyện tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nhằm kịp thời hạn chế, ngăn chặn và xử lý kịp thời những biểu hiện làm mai một, đồng hóa về văn hóa truyền thống của các dân tộc, nhất là trong công tác trao truyền văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh thông tin, các hình thức quảng bá để các tầng lớp nhân dân hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cũng như tầm quan trọng, vị trí của việc bảo tồn và phát huy các giá trị công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong công cuộc xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hoá trên địa bàn huyện…
Thực hiện: Nguyễn Tú