Ngày 18/7/2023, Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Kon Tum do đồng chí Phạm Đình Thanh - TUV, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã buổi đi khảo sát việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện Đăk Glei. Tham gia cùng đoàn công tác có lãnh đạo các các sở, ban ngành của tỉnh. Làm việc với đoàn khảo sát về phía huyện Đăk Glei có đồng chí Y Thanh - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo các cơ quan ban ngành có liên quan, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn.
Quang cảnh buổi làm việc.
Trước khi làm việc với UBND huyện Đăk Glei, đoàn Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Kon Tum đã đi khảo sát thực tế tại UBND xã Đăk roong về việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn xã.
Theo báo cáo của UBND huyện, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế nông thôn tăng trưởng và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ; ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hình thành nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh; các hợp tác xã trên địa bàn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, liên kiết hộ nông dân với hộ nông dân, kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp, là tác nhân liên kiết trong chuỗi giá trị; các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn, khu vực khó khăn được hoàn thiện, tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng đồng bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tạo cơ hội việc làm và ổn định thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Theo Báo cáo của UBND huyện Đăk Glei, tính đến tháng 6/2023, dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Đăk Glei là 413.704 triệu đồng, bao gồm: Ngân sách trung ương: 358.979 triệu đồng, trong đó: Vốn đầu tư phát triển: 260.368 triệu đồng. Vốn sự nghiệp: 98.611 triệu đồng. Ngân sách địa phương: 35.965 triệu đồng, trong đó: Vốn đầu tư phát triển: 26.037 triệu đồng. Vốn sự nghiệp: 9.928 triệu đồng.Vốn vay tín dụng: 15.000 triệu đồng. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025Triển khai, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/ĐH ngày 10/8/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương trình số 17-CTr/HU ngày 09/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững toàn huyện bình quân phấn đấu giảm 6%/năm; đến cuối năm 2025 còn dưới 11,75% hộ nghèo. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia (về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, thông tin), thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao: Các tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt 9,0 tiêu chí/xã. Về xây dựng xã nông thôn mới: Các tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt 8,8 tiêu chí/xã. Xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Các tiêu chí bình quân đạt 7,0 (tiêu chí/thôn). Toàn huyện hiện có 11 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh.
Lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh, huyện, xã ý kiến tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở ban ngành của tỉnh, các cơ quan ban ngành của huyện, lãnh đạo UBND huyện đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như: thời gian thực hiện các Chương trình được phê duyệt bắt đầu từ năm 2021, tuy nhiên đến giữa năm 2022, các Chương trình mới được giao vốn; việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc từng Chương trình còn chưa kịp thời; vướng mặc trong trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu…dẫn đến tiến độ thực hiện chậm, khó khăn trong công tác giải ngân; việc huy động xã hội hóa nguồn lực thực hiện chương trình còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng thiếu thốn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có khoảng cách phát triển, mức thu nhập thấp; một số chương trình gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng;…
Đồng chí Y Thanh - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, lãnh đạo UBND huyện đề nghị ưu tiên phân bổ tăng nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển cho huyện Đăk Glei nhằm thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo; có cơ chế ưu tiên thủ tục thực hiện về đất đai đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất rừng thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia; sớm có hướng dẫn và định mức về hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống; .....
Đồng chí Phạm Đình Thanh - TUV, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Huyện Đăk Glei.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Đình Thanh - TUV, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chia sẻ những khó khăn của huyện Đăk Glei trong phát triển kinh tế, xã hội, đánh giá cao tính chủ động, nghiêm túc của UBND huyện, các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện. Để triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng chí đề nghị UBND huyện Đăk Glei cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc; trong đó tập trung thực hiện tốt một số nội dung như: Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn để thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và lồng ghép để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp, các ngành; có giải pháp phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện Chương trình; đảm bảo minh bạch trong việc sử dụng nguồn ngân sách, tránh lãng phí. Thời gian tới, đề nghị huyện Đăk Glei tiếp tục đẩy mạnh việc phân bổ giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện. Quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc ở đâu, kiến nghị lên các cấp, các ngành để có hướng dẫn giải quyết.
Tin, ảnh: Minh Đức - Y Đông