Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng cây dược liệu, huyện Đăk Glei đã chú trọng triển khai nhiệm vụ đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Bà con xã Ngọc linh chăm sóc cây dược liệu Sâm Ngọc Linh
Đến nay, công tác phát triển cây dược liệu trên địa bàn Đăk Glei đã đạt các kết quả nhất định. Tổng diện tích dược liệu toàn huyện là trên 500 ha, trong đó, riêng sâm Ngọc Linh là 34ha. Vùng sản xuất dược liệu tập trung đang từng bước được hình thành ở các xã Mường Hoong, Ngọc linh, Xốp... Một số sản phẩm chế biến từ sâm dây đang dần hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, huyện thu hút được 2 doanh nghiệp đầu tư, sản xuất chế biến và thực hiện liên kết với người thu mua sản phẩm dược liệu trên địa bàn; thành lập 10 HTX hoạt động đầu tư hoạt động trong lĩnh vực dược liệu.
Đồng chí Thái Văn Tưởng - TUV, Bí Thư Huyện ủy Đăk Glei, tham quan mô hình Sâm Ngọc Linh
Cây dược liệu có giá trị kinh tế cao nên từng bước giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con quanh vùng trồng dược liệu. Từ đó, thực hiện tốt công tác bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái.
Đồng chí Thái Văn Tưởng - TUV, Bí Thư Huyện ủy Đăk Glei, cùng lãnh đạo Thị xã Bến Cát tham quan các sản phẩm chế biến đạt chuẩn OCop huyện Đăk Glei
Huyện Đăk Glei phấn đấu phát triển vùng dược liệu huyện trở thành một trong những vùng dược liệu trọng điểm của tỉnh vào thời gian tới. Đến năm 2025, đạt hơn 50 ha diện tích sâm Ngọc Linh và hơn 930ha cây dược liệu khác. Do vậy, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu; công tác sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương hiệu, chú trọng công tác chuẩn bị giống dược liệu để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tin, ảnh: A Lộc - Trung tâm VHTTDL&TT