banner
Chủ nhật, ngày 28 tháng 7 năm 2024
Huyện Đăk Glei sau hai năm thực hiện Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm
19-8-2023
       Thực hiện Kết luận 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, về chủ trương triển khai Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững". Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuộc vận động đã làm chuyển biến về nhận thức của người dân tộc thiểu số; tạo đòn bẩy giúp người dân phát huy những tiềm năng sẵn có. Sau hai năm triển khai, cuộc vận động đã mang lại những hiệu quả thiết thực, nhiều mô hình, cách làm hay đã được triển khai, nhân rộng, giúp người dân từng bước nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Thôn Dục Lang, xã Đăk Long nhìn từ trên cao
 
          Ngày nào cũng vậy, khi bà con đi làm nương rẫy về, ông A Út lại đến từng nhà trò chuyện với bà con bằng tiếng địa phương để vận động người dân phát triển kinh tế.
 Với vai trò là người uy tín ở thôn Dục Lang, ông A Út cảm thấy rất vui khi cuộc sống của người dân nơi đây đã đổi thay từng ngày, nhất là khi địa phương bắt tay vào thực hiện Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Để cuộc vận động đạt hiệu quả và làm cơ sở nhân rộng, các cấp, các ngành trong xã đã đến tận thôn, cầm tay chỉ việc cho bà con như chuyển đổi cây mì trồng trên đất đồi bạc màu, sang trồng cây thông ba lá phù hợp với điều kiện và thổ nhưỡng; trồng và chăm sóc cây cà phê, cây mắc ca. Làm chuồng để chăn nuôi gia súc, gia cầm... Nhờ đó, bà con nơi đây đã có những chuyển biến rõ nét từ trong suy nghĩ đến việc làm. Nhiều thói quen lạc hậu dần được xóa bỏ thay vào đó là cách làm mới, tiến bộ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Quang cảnh tuyên truyền, vân động người dân thôn Dục Lang, xã Đăk long
 
           Ông A Út - Thôn Dục Lang, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei tâm sự:“Trước đây đời sống bà con chưa làm ăn được, không biết cách nghĩ, cách làm cho nên gặp khó khăn trong cuộc sống, nhà cửa thì lúp súp. Từ khi thực hiện chương trình cuộc vận động cách nghĩ, cách làm, giờ các hộ gia đình được đổi mới, nhà cửa khang trang, thoát được nghèo, có hộ sắm được nhà cửa, ti vi đắt tiền, cảm thấy bà con thế này mình rất mừng”.
           Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, Ủy ban MTTQ các cấp giữ vai trò nòng cốt trong việc kiểm tra, rà soát theo dõi phân loại hộ nghèo theo từng nhóm để xác định nguyên nhân nghèo là do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất hay thiếu kiến thức... Từ đó, đưa ra giải pháp hỗ trợ kịp thời. Nhờ vậy, nhiều mô hình thí điểm hỗ trợ sinh kế, cây, con giống phù hợp với thực tế đã được xã Đăk Long triển khai có hiệu quả. Đến nay, nhiều hộ người DTTS đã từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình; thực hiện chi tiêu tiết kiệm, hợp lý để tích lũy tái đầu tư sản xuất. 
Mô hình trồng cây Cà phê của anh A Tra, thôn Dục Lang
 
           Gia đình anh A Tra tuy có đất sản xuất nhưng chỉ trồng cây lúa, cây mỳ, mỗi năm một vụ nên cứ lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Làm thế nào để thoát nghèo là trăn trở của anh. Từ khi cuộc vận động được triển khai, gia đình mạnh dạn vay vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. 
          Anh A Tra - Thôn Dục Lang, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei cho biết:“Trước đây chưa có cuộc vận động, kinh tế rất khó khăn, bây giờ có cuộc vận động chỉ đạo làm kinh tế rất tương đối phát triển, cuộc sống gia đình đỡ, bớt khó khăn hơn trước kia. Mừng là học hỏi từ các hộ gia đình khác, từ chính quyền địa phương mới được như ngày hôm nay, nói chung trồng cà khoảng 2ha, cao su 6,9 sào gì đó với chăn nuôi bò, hàng năm cở 30, 40 triệu, được như ngày hôm nay gia đình tôi rất mừng được thoát nghèo”.
Quang cảnh thôn Măng Tách, xã Đăk Long nhìn từ trên cao
 
          Năm 2021, xã Đăk Long chọn thôn Măng Tách làm điểm việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” và ký kết thi đua giữa các thôn, các hộ trong khu dân cư, gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua 2 năm đã thực hiện 24 đợt triển khai cuộc vận động, với 15 mô hình phát triển kinh tế.. Đến nay số hộ nghèo giảm trên 250 hộ trong tổng số 570 hộ.
Nhờ được hỗ trợ về cây, con giống, phân bón và hướng dẫn cách làm, người dân trong thôn đã dần nắm bắt được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách phòng bệnh, sử dụng phân bón cho cây trồng.
Mô hình trồng cây Thông ba lá trên đất bạc màu
 
          Anh A Tròn - Thôn trưởng thôn Đăk Tu, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei nói:“Cuộc vận động đã lan tảo đến từng thành viên trong gia đình và ai cũng muốn phát triển kinh tế của hộ gia đình mình, bà con cũng biết đến nguồn vốn vay và trồng một số cây có hiệu quả kinh tế cao để mà phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, một số hộ đã sắm được tivi, xe máy, tủ lạnh và làm được nhà cửa rất là khang trang, đời sống của bà con thay đổi rất nhiều so với trước đây”.
          Ông  A Búng - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei cho biết thêm:“Hưởng ứng các chủ trưởng thay đổi nếp nghỉ cách làm của đồng bào dân tộc tôi thấy là rầm rộ hưởng ứng tham gia, bên cạnh hưởng ứng là còn có tự giác nữa muốn  xóa nghèo bền vững, có 1 số hộ làm đơn xin thoát nghèo”.
         Cúng bái mỗi khi ốm đau là tập tục được một số bà con người Gié triêng ở huyện Đăk Glei duy trì trong suốt thời gian dài. Bệnh nhẹ thì giết con gà, con heo; bệnh nặng thì giết con trâu, con bò, chưa kể còn phải hậu tạ lễ vật cho thầy cúng. Hay dần xóa nạn tảo hôn. Các phong tục lạc hậu này không chỉ tổn hại về kinh tế mà còn gây ra không ít hệ lụy.
Thôn Lanh Tôn, xã Đăk Môn nhìn từ trên cao
  
           Thôn Lanh Tôn, xã Đăk Môn có 153 hộ, trên 500  nhân khẩu, cuộc sống bà con nơi đây chủ yếu dựa vào nương rẫy.
Anh A Bướng, thôn trưởng thôn Lanh Tôn cho biết, trước đây, nhiều gia đình thường tổ chức cúng bái khi trong nhà có người bị ốm đau, bệnh tật. Để giúp người dân xóa bỏ những hủ tục này, với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, chính quyền xã và đoàn thể đã tranh thủ gặp gỡ người có uy tín, thông qua các cuộc họp ở thôn để vận động, tuyên truyền, phân tích cho người dân hiểu dần từ bỏ các hủ tục.
Quang cảnh tuyên truyền, vân động người dân, thôn Lanh Tôn, xã Đăk Môn
            Anh A Bướng - Thôn trưởng, thôn Lanh Tôn, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei tâm sự:“Đa số đến nay nhận thức của bà con hiện tại các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ và hiện tại không có tình trạng là các hủ tục lạc hậu trong thôn không còn tồn tại, đau ốm bà con nhận thức là khi đau ốm phải đi trạm xá khám và được chữa trị kịp thời, không tin tưởng các thầy bói, cúng bói ma chay nữa”.
           Thôn Đăk Nai, xã Đăk Môn có gần 900 nhân khẩu. Từ năm 2004 đến năm 2020, địa phương xảy ra 05 vụ tảo hôn. Đến nay tình trạng này đã giảm, khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu tảo hôn, chính quyền địa phương kịp thời tuyên truyền và thuyết phục, được người dân đồng thuận, chấp hành.
Em Y Hiếu - Thôn Đăk Nai, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei nói:“Việc lấy chồng sớm phải nuôi con khổ, lo cho gia đình, phải lo kinh tế, chờ có việc ổn định, đủ tuổi cháu mới lấy chồng” (23s)
          Ông A Ring - Thôn Đăk Nai, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei tâm sự:“Trước đây tuyên truyền vận động khó khăn, về con cháu ít ăn học và theo ông bà ngày xưa để lại, bữa nay thấy đã tuyên truyền vận động con cháu đã am hiểu nhiều về phong tục tập quán lấy vợ, lấy chồng sớm thì không còn nữa”.
Quảng cảnh Lãnh đạo huyện, thăm một số mô hình phát triển kinh tế
 
          Bằng cách cầm tay, chỉ việc; hỗ trợ sinh kế; vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sau hơn 02 năm triển khai Cuộc vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đăk Glei và các đoàn thể chính trị-xã hội đã xây dựng và duy trì 49 mô hình, với hơn 500 hộ người dân tộc thiểu số tham gia, tiêu biểu như mô hình trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh, mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi ong lấy mật, nuôi dê, trồng cây ăn quả…Kết hợp cùng với nhiều chương trình, dự án giảm nghèo, các mô hình đã góp phần giúp hơn 400 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.
          Ông Plong Phan - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Trong thời gian tới, thứ nhất, quán triệt những nội dung cuộc vận động đến từng thôn, làng. Thứ hai, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ có hiệu quả các nội dung cuộc vận động; Trong đó, trọng tâm là nhân rộng trong định hình mô hình mà hiện nay các ban ngành đoàn thể và các cơ quan đơn vị đã xây dựng. Thứ ba, nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của MTTQVN và các tổ chức chính trị xã hội để tạo ra sự đồng thuận cao, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thời xuyên".
Một gốc nhỏ huyện Đăk Glei nhìn từ trên cao
 
         Triển khai cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo bền vững" bằng những giải pháp đa chiều, việc làm cụ thể, đã tác động tích cực giúp bà con thay đổi nhận thức và hành động, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước; tiếp thêm động lực giúp người dân tự giác, tích cực sản xuất kinh doanh; cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của huyện Đăk Glei.
 
Bài, ảnh: A Lộc - Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện

Số lượt xem:1250
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1092150 Tổng số người truy cập: 6680 Số người online:
TNC Phát triển: