banner
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Bệnh ho gà và các biện pháp phòng, chống
6-9-2024

         Bệnh Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn Ho gà thuộc họ Pavrobacteriaceae gây nên. Bệnh lây theo đường hô hấp, do vi khuẩn có trong những hạt nước bọt bắn ra từ mũi, miệng của người bệnh khi ho, hắt hơi trực tiếp sang người lành. Phạm vi lây truyền khi ho, hắt hơi trong khoảng dưới 3 mét. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa lạnh, nhất là mùa Đông- Xuân. Trong những ngày thời tiết thường xuyên ẩm ướt, không khí không nóng, không lạnh chính là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
Nguồn bệnh là những bệnh nhân bị bệnh Ho gà. Bệnh lây lan mạnh nhất trong 1- 2 tuần đầu của bệnh. Vi khuẩn Ho gà  xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên rồi sau đó khu trú và phát triển ở thanh quản, khí quản, ở đó vi khuẩn sẽ tiết ra độc tố Pertussis toxin, đây là loại protein độc lực chính đóng vai trò gây bệnh Ho gà.
         1.Biểu hiện của bệnh Ho gà:
         -Thời kỳ nung bệnh: 2- 30 ngày (trung bình 5- 12 ngày).
         -Thời kỳ khởi phát (hay còn gọi là giai đoạn xuất tiết, giai đoạn viêm long): Thường từ 3- 14 ngày với các biểu hiện: sốt nhẹ, từ từ tăng dần; các triệu chứng viêm long đường hô hấp: ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng, dần dần chuyển thành ho cơn.
         -Thời kỳ toàn phát (hay giai đoạn co thắt, giai đoạn ho cơn): Kéo dài 1- 2 tuần, xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ, cả ngày và đêm, ho nhiều về đêm. Cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn là: ho, thở rít vào và khạc đờm.
         Ho: Ho rũ rượi, thành cơn, mỗi cơn từ 15- 20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi.
         Thở rít vào: Xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít.
         Khạc đờm: Khi trẻ khạc đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Trong đờm có trực khuẩn Ho gà.
         Sau mỗi cơn ho trẻ bơ phờ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh.
         2.Những biến chứng của bệnh Ho gà:
         - Các biến chứng bội nhiễm: Phế quản phế viêm, giãn phế quản, viêm màng phổi.
         - Viêm não do Ho gà: Với biểu hiện sốt cao, có tổn thương thần kinh trung ương như ý thức thay đổi, li bì, hôn mê, co giật, liệt khu trú.
         - Suy dinh dưỡng: Do trẻ không ăn và nôn nhiều.
         - Các biến chứng khác: Chảy máu kết mạc, sa trực tràng, xuất huyết màng não..
         - Các biến chứng trên thường gặp ở trẻ nhỏ, trong đó viêm phổi là biến chứng thường gặp nhất và dễ gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi. Trẻ có thể bị tím tái do thiếu ô xy trong cơn ho, nôn kiệt sức thường đi kèm theo sau cơn ho.
         3.Các biện pháp phòng, chống bệnh Ho gà:
         - Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà khi đủ 02 tháng tuổi. Đưa trẻ đi tiêm đủ 03 mũi, mỗi mũi cách nhau 01 tháng và 01 năm sau nhắc lại mũi thứ tư.
         - Người lớn trong gia đình có trẻ nhỏ, phụ nữ trước khi mang thai cần chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để phòng bệnh cho bản thân, cho trẻ sau khi sinh ra hoặc tạo miễn dịch cộng đồng xung quanh bảo vệ trẻ đã sinh.
         - Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày cho trẻ. Với người lớn sau khi đi ngoài đường về, cần vệ sinh mũi họng, bàn tay, thay quần áo rồi mới tiếp xúc với trẻ.
         - Hạn chế dùng điều hòa, thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào, bật quạt để thông thoáng khí, dùng nồi nước lá xông để khử trùng không khí cho nhà ở, lớp học của nhà trẻ, mầm non, mẫu giáo, phòng học của các trường, phòng làm việc, phòng hội họp tập trung đông người.
         - Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, nếu tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và trang bị phòng hộ cá nhân.
         - Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh.
         - Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 – 2 lần/ngày.
         - Cho trẻ ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.
         - Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh Ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Thực hiện: Nguyễn Tú
 

Số lượt xem:747
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN ĐĂK GLEI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Văn phòng HĐND-UBND huyện Đăk Glei
Quản lý và nhập thông tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Người phụ trách chính: Ông Đỗ Đăng Dự, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Email: vphdndubnd.dakglei@kontum.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang

1454832 Tổng số người truy cập: 4398 Số người online:
TNC Phát triển: