Thực hiện chỉ đạo của Cục Thông tin cơ sở tại công văn số 40/TTCS-TTTH ngày 24/01/2024 về việc tuyên truyền Chỉ thị số 29-CT/TW về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Một buổi học xóa mù chữ cho ĐBDTTS tại thôn Lê Toan, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng Chỉ thị số 29-CT/TW về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị Đài Phát thanh –Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum,Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Truyền thông các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền với thời lượng và hình thức phù hợp, đảm bảo thông tin rộng rãi đến với các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, trong đó tập trung các nội dung sau:
Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuyên truyền về việc chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng thiết yếu cho người mới biết chữ, duy trì và nâng cao tính bền vững đối với kết quả xóa mù chữ cho người lớn, chú trọng xóa mù chữ chức năng. Truyền thông tăng cường tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh có cơ hội tiếp tục học tập; tạo điều kiện cho người
trong độ tuổi lao động có thể tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng với sự thay đổi của xã hội.
Tuyên truyền các chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp; chính sách tháo gỡ việc phát triển mạng lưới trường, lớp dân lập, tư thục; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, khai thác có hiệu quả tài nguyên giáo dục mở.
Tuyên truyền việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên; nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; việc tập trung đầu tư phát triển một số trường đại học sư phạm trọng điểm, hình thành một số trường sư phạm vệ tinh; việc thực hiện tốt việc liên kết giữa các trường sư phạm với địa phương phù hợp với nhu cầu thực tiễn, nhằm sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Thông tin, tuyên truyền nâng cao vai trò chủ đạo, trách nhiệm quản lý nhà nước, bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc tăng cường nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 03 đến05 tuổi; việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo từ Trung ương đến cơ sở.
Tuyên truyền đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trường, lớp nhằm hoàn thiện mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đặc biệt quan tâm phát triển mạng lưới trường, điểm trường, lớp học; trường dân tộc nội trú, lớp nội trú dân nuôi, lớp bán trú ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hình thức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, tăng cường sự tham gia của các cơ quan truyền thông đại chúng và phát huy ưu thế của tuyên truyền miệng; kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình học tập tiêu biểu, địa phương làm tốt.
Tin, ảnh: Nguyễn Tú