Với điều kiện khí hậu thổ nhưởng phù hợp, những năm qua huyện Đăk Glei xác định việc phát triển cây Dược liệu là nhiệm vụ trong tâm trong phát triển kinh tế. Vì vậy, huyện đã tập trung các nguồn vốn chính sách ưu đãi cùng với các chương trình, dự án của nhà nước giúp người dân thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Mô hình thí điểm trồng nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng của các hộ gia đình tại thôn Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei
Trải qua hơn 1 giờ đi bộ, chúng tôi đã đặt chân đến mô hình thí điểm trồng nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng của hộ gia đình A Đâm cùng với 9 hộ gia đình khác tại thôn Xốp Dùi, xã Xốp; mô hình nằm trên triền núi cao với diện tích 5000m2, được sự hỗ trợ và tận dụng nguồn vay của ngân hàng chính sách xã hội huyện các hộ gia đình đã tập trung thực hiện mô hình với số vốn ban đầu gần 500 triệu đồng. Hơn hết, các hộ gia đình đã chủ động học hỏi các quy trình trồng và chăm sóc; việc áp dụng đúng qui trình khoa học kĩ thuật, sau 2 tháng trồng, vườn Nấm đang phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Được biết, với giá bán 1.500.000đ/kg như hiện nay hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình.
Anh A Đâm - Thôn Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei chia sẻ:“các hộ gia đình chúng tôi là mỗi người đóng góp 50 triệu trở lên để mua được phôi nấm để trồng, nếu phát triển tốt và thu nhập cao chúng tôi mong muốn rằng phòng nông nghiệp với NHCS quan tâm và cho các hộ gia đình vay thêm để mô hình nhân rộng thêm để cho bà con mình tiếp tục làm theo, phát triển cây dược liệu".
Mô hình trồng sâm Ngọc Linh của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn Xốp Dùi, xã Xốp
Cũng nằm trên triền núi với độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển chúng tôi đến với mô hình trồng sâm Ngọc Linh của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn Xốp Dùi, xã Xốp. Mặc dù có khó khăn trong việc chăm sóc nhưng với sự cần mẫn, chăm chỉ của gia đình và được hỗ trợ từ nguồn vốn vay chính sách, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư vào trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh. Hiện nay, gia đình chị có trên 400 cây đã đạt 5 năm tuổi. Với lợi thế về điều kiện khí hậu nên cây sâm Ngọc Linh của gia đình chị có tỉ lệ sống cao, sinh trưởng phát triển tốt.
Chị Nguyên Thị Huyền - Thôn Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đăk Glei tâm sự: "Mới đầu gia đình vay là 50 triệu của NHCS , gia đình vay để mua hạt ươm và để bắt đầu làm thành mô hình này, mô hình này thì khoảng 10 năm tuổi là sẽ thu được và sẽ bắt đầu có thu nhập. Thời gian tới gia đình mong muốn NHCS hỗ trợ cho gia đình vay thêm để làm cái vườn sâm ách giáp hơn".
Ngân hàng chính sách xã hôi huyện giải ngân cho các hộ dân
Từ đầu năm 2019 đến nay, ở 03 xã của huyện Đăk Glei có gần 500 hộ gia đình được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội trong việc trồng cây dược liệu, với tổng doanh số cho vay gần 27 tỷ đồng. Trong đó: xã Mường hoong với số tiền trên 15 tỷ đồng; xã Ngọc linh gần 10 tỷ đồng; xã Xốp 1 tỷ 800 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, giúp cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình trồng các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, Đẳng sâm, Nấm Linh chi,… các mô hình phát triển kinh tế bước đầu đem lại hiệu quả, giúp cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bà Dương Thị Hoa – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đăk Glei cho biết: "Qua tham quan các mô hình vay vốn thấy bà con đầu tư rất hiệu quả. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục quan tâm đến các đối tượng là nếu có nhu cầu vay vốn thêm để đầu tư mở rộng sản xuất thì chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm đến các đối tượng để làm ăn cho nó hiệu quả.”
Toàn cảnh xã Xốp nhìn từ trên cao
Cây dược liệu được trồng trên các sườn đồi núi được xem như cây trồng hiệu quả ở huyện Đăk Glei; Để phát huy tối đa các loại cây dược liệu này trở thành cây hàng hóa vẫn cần có kế hoạch, đình hướng mang tính bền vững hơn, giúp người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững./
Bài, ảnh: A Lộc – Nguyễn Tú