Thời gian qua, việc phát triển dược liệu được xem là hướng đi hiệu quả để tạo việc làm, cải thiện sinh kế, vươn lên thoát nghèo bền vững tại huyện Đăk Glei. Trong đó, sâm dây là một trong những loại cây dược liệu chủ lực. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của nhân dân, diện tích, chất lượng và hiệu quả kinh tế từ cây sâm dây trên địa bàn đến nay không ngừng được nâng lên.
Quang cảnh bà con đang làm cỏ cho Sâm dây
Những ngày này chị Y Nhíp ở thôn Mô Bo, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei đang tranh thủ làm cỏ cho vườn sâm dây 6 tháng tuổi. Diện tích vườn sâm này rơi vào khoảng gần 1ha, sản lượng đạt từ 5 đến 6 tạ củ. Với giá bán hiện nay đối với củ sâm xô trung bình từ 60 đến 100 nghìn đồng gia đình sẽ có thêm một khoản thu nhập khá. Qua 2 năm trồng sâm dây chị Y Nhíp nhận thấy hiệu quả kinh tế tốt hơn trồng mỳ và trồng lúa. Theo đó, dự định cố gắng mở rộng thêm diện tích trong thời gian đến.
Chị Y Nhíp – thôn Mô Bo, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei tâm sự: “Tôi trồng sâm hai năm rồi, nhưng mà tôi thấy trồng sâm cũng có hiệu quả, cây sâm cũng gia đình tôi cũng nhổ bán đi rồi, nhưng mà so với mấy năm trước tôi cũng khá ổn định hơn về phát triển kinh tế(n) bà con ở địa phương đây mong muốn được hỗ trợ vốn và cây giống để phát triển tốt hơn nữa năm trước nữa”
Quang cảnh lớp tập huấn kỷ thuật trồng và chăm sóc cây Sâm dây
Thời gian qua, huyện Đăk Glei đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng của việc phát triển và sử dụng dược liệu gắn với triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS, làm cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm dây; hỗ trợ giống, vốn trồng sâm dây cho các hộ gia đình khó khăn; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cây dược liệu nói chung và sây dây nói riêng gắn với thu hút các doanh nghiệp đứng ra bao tiêu cây dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.
Anh A Luân - Thôn Tu Dốp, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei nói: “Nhà tôi trồng sâm được 3 năm nay để có thu nhập cho gia đình nuôi con cái học hành, mua giày dép, nếu mà có chương trình sau này vay vốn này kia được nhà nước quan tâm cũng vay thêm, trồng thêm nhiều sâm dây với sơn tra”
Đến nay, toàn huyện Đăk Glei phát triển đạt trên 940ha cây dược liệu khác. Trong đó, chủ yếu là cây sâm dây. Riêng xã Mường Hoong phát triển được khoảng 400 ha cây sâm dây. Việc trồng sâm dây giúp các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Chị Y Hương – Chủ tịch UBND xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei cho biết: “Trong năm 2023, thì trên địa bàn xã Mường Hoong, diện tích gần sâm dây là khoảng 400ha, thì hiện nay vẫn duy trì và trong thời gian tới theo kế hoạch năm 2024 huyện giao sẽ tiếp tục cải tạo diện tích đất hiện có và sẽ tiếp tục triển khai các diện tích còn lại. Về đối với lãnh đạo xã xác định đây là tiềm năng để phát triển dược liệu và là thu nhập chính của bà con nhân dân trên địa bàn xã Mường Hoong nói riêng”
Thành viên HTX xã Ngọc Linh đang thực hiện việc đưa Sâm dây vào máy sấy
Trên địa bàn huyện cũng thành lập được nhiều hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, hình thành chuỗi liên kết sản xuất trồng và xây dựng sản phẩm sâm dây. Như Hợp tác xã Ngọc Linh ở thôn Ngọc Súc, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei đi vào hoạt động từ năm 2019, thu hút được 8 thành viên. Hiện nay hợp tác xã rất phấn khởi vì mới được huyện hỗ trợ một máy sấy sâm dây. Đây là nguồn động lực rất lớn cho hợp tác xã trong quá trình phát triển sản phẩm chủ lực. Trước mắt, đơn vị tập trung làm sản phẩm sâm dây sấy khô để đăng kí sản phẩm Ocop trong năm 2024.
Anh A Thông – Giám đốc HTX Ngọc Linh, thôn Ngọc Súc, xã Ngọc Linh huyện Đăk Glei chia sẽ: “Hiện tại, HTX đã sản xuất sản phẩm sâm tươi, sâm khô, Sắp tới, định hướng sẽ phát triển thêm một số sản phẩm, cụ thể là các sản phẩm thiên về trà để uống, sản phẩm cao sâm”
Quang cảnh bà con trồng Sâm dây
Sâm dây là loại dược liệu rất tốt cho sức khỏe, nhất là có tác dụng bổ khí huyết. Tiềm năng thị trường của sản phẩm này ở trong nước cũng như xuất khẩu được đánh giá rất cao. Với lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ những, các địa phương trên địa bàn huyện Đăk Glei còn tập trung trồng sâm dây theo hướng hữu cơ, an toàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Chị Y Hương – Chủ tịch UBND xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei cho biết thêm: “Về giải pháp thứ nhất cần tăng cường công tác hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, cũng như phát triển, trong đó, chú trọng công tác cải tạo đất vì sâm dây là một loại dược liệu rất là dễ hao mòn đất nên một trong những giải pháp trước mắt và thời gian tới sẽ xử lý diện tích đất đã bạc màu và nhân rộng hoạt động của các tổ hợp tác xã cũng như hợp tác xã của địa phương”
Huyện Đăk Glei đề ra mục tiêu phát triển dược liệu theo hướng sản xuất có quy mô, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sớm đưa huyện trở thành vùng phát triển dược liệu trọng tâm của tỉnh, góp phần đưa tỉnh Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn nhất của cả nước năm 2025. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích cây sâm dây và các loại cây dược liệu khác đạt trên 930ha. Với đà phát triển như hiện nay, hy vọng kinh tế dược liệu nói chung và việc phát triển cây sâm dây của huyện Đăk Glei sẽ tiếp tục vươn xa.
Thực hiện: A Lộc - Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Đăk Glei