Tiếp tục chuyến công tác tại huyện Đăk Glei; Chiều ngày 23/5/2024, Đoàn công tác tỉnh Kon Tum đã có buổi làm việc với UBND huyện Đăk Glei về tình hình triển khai chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; công tác mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục và công tác kế hoạch hoá gia đình. Đồng chí Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy , Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có Đại diện lãnh đạo các Sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Thông tin và Truyền thông.
Về phía huyện Đăk Glei có đồng chí Đỗ Sum - UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; Đại diện Lãnh đạo các phòng, ban và các đơn vị có liên quan của huyện; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các xã.
Quang cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo của UBND huyện, công tác giảm nghèo tiếp tục được cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện đề ra.
Trong đó, năm 2021, toàn huyện có 2.532 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,91%; 1.226 hộ cận nghèo, chiếm 9,16%. Đến năm 2023, giảm số hộ nghèo xuống còn 1.457 hộ, chiếm tỷ lệ 10,40%; 1.091 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,79%, tương ứng giảm tỷ lệ hộ nghèo 5,06/5,0 đạt 101,12% so chỉ tiêu giảm tỷ lệ nghèo năm 2023 UBND tỉnh giao.
Đối với thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ trực tiếp từ CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đạt một số kết quả tích cực. Cụ thể, Năm 2022 - 2023 ngân sách Trung ương và tỉnh phân bổ 5,94 tỷ đồng, địa phương đã phân bổ 100% kinh phí cho 12, xã, thị trấn để triển khai, thực hiện cơ chế quay vòng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi đến 232 đối tượng (hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nhóm hộ…) thụ hưởng chính sách; triển khai thực hiện 16 mô hình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi đến 291 đối tượng thụ hưởng trong việc thực hiện Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.
Huyện chú trọng thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1 về Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; Năm 2022- 2023 ngân sách Trung ương và tỉnh phân bổ 2,554 tỷ đồng, huyện phân bổ triển khai thực hiện mô hình sản xuất giống lúa mới ST 25 trên địa bàn các xã Đăk Pek; Thị trấn và Đăk Choong. Trong đó, đã thực hiện điều chỉnh sang mô hình hỗ trợ trâu sinh sản trên địa bàn các xã, thị trấn với dự toán 400 triệu đồng; Mô hình hỗ trợ cây giống Mắc ca tại xã Xốp và các xã có điều kiện khác, đã thực hiện điều chỉnh sang mô hình hỗ trợ bò sinh sản trên địa bàn các xã, thị trấn với 316 triệu đồng. Hiện nay, huyện đang triển khai, thực hiện các dự án chè và cây cà phê xứ lạnh tại các xã, thị trấn có điểu kiện thổ nhưỡng phù hợp.
Đồng thời, các tiểu dự án về chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, cũng được quan tâm, chú trọng, tính đến cuối năm 2023, đã tuyển sinh và đào tạo 22 lớp với với 667 chỉ tiêu, với kinh phí thực hiện là 4,446 tỷ đồng.
Công tác mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục được đầu tư xây dựng, sửa chữa với kinh phí từ năm 2021 đến 2023 là 77,647 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 31,205 tỷ đồng, ngân sách địa phương 38,274 tỷ đồng, xã hội hóa 8,168 tỷ đồng.
Cùng với đó, huyện đã tập trung quan tâm đến công tác KHHGĐ trên địa bàn, trong đó đã tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; Mô hình Câu lạc bộ “không sinh con thứ 3 trở lên”;..được duy trì hoạt động hiệu quả (Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2021 là 10,88; năm 2022 15,7%; năm 2023 11,96%.)
Đồng chí Đỗ Sum - UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện phát biểu tại buổi làm việc
Đại diện Lãnh đạo Phòng LĐTB&XH huyện trình bày ý kiến
Tại buổi làm việc, Đại diện Lãnh đạo huyện và Đại diện các đơn vị thuộc huyện đã đưa ra những khó khăn vướng mắc với Đoàn kiểm tra tỉnh Kon Tum đó là: Nhiều chính sách triển khai thực hiện còn chậm do thiếu nguồn vốn; Tiến độ triển khải các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các chương trình còn chậm; một số xã chưa thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo trên địa bàn, công tác kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên; Một số dự án gặp khó khăn trong việc huy động sự tham gia tích cực của người dân do nhận thức và kiến thức còn hạn chế….
Đồng chí Y Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc
Kết luận tại buổi làm việc, Đồng chí Y Ngọc- UVBTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương những nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân huyện Đăk Glei trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh tập trung hỗ trợ huyện Đăk Glei trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, cần ưu tiên bố trí kinh phí, nhân lực để đảm bảo các dự án, chương trình được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ. Đồng chí nhấn mạnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và ý nghĩa của các chương trình mục tiêu quốc gia, khuyến khích họ tham gia tích cực vào quá trình thực hiện; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy các môn chuyên sâu và giáo viên tại các trường vùng sâu, vùng xa; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia minh bạch, hiệu quả.
Tin, ảnh: Nguyễn Tú