Chiều ngày 13/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2023 - 2024; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại tỉnh và trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thành phố của tỉnh.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh, có các đồng chí: U Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Y Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; tập thể lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị trực thuộc. Tham dự tại điểm cầu địa phương, có đại diện lãnh đạo UBND và các đơn vị trực thuộc UBND các huyện, thành phố...
Quang cảnh và các đại biểu dự tại điểm cầu huyện Đăk Glei.
Tại điểm cầu huyện Đăk Glei có đồng chí Thái Văn Tưởng - TUV, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Đỗ Sum - UVTBV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; đại diện lãnh đạo ngành Giáo dục và đào tạo huyện; lãnh đạo các cơ quan ban ngành đoàn thể huyện; Hiệu trưởng, hiệu phó các đơn vị trường học trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm học 2023 - 2024 diễn ra trong bối cảnh các hoạt động kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện chủ đề: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ được giao. Đây là năm học bản lề quan trọng hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cùng với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, toàn ngành Giáo dục đã hết sức cố gắng, nỗ lực để hoàn thành kế hoạch năm học đề ra và đạt được những kết quả quan trọng. Mạng lưới trường lớp tiếp tục được củng cố, theo hướng tinh gọn, năm học 2023 - 2024, ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum có 349 trường mầm non và phổ thông, giảm 10 trường công lập và tăng 01 trường mầm non ngoài công lập so với học 2022 - 2023. Toàn tỉnh có 32 trường PTDTBT (bao gồm 08 trường PTDTBT cấp tiểu học và 12 trường PTDTBT cấp TH-THCS, 12 trường cấp THCS) và 63 trường phổ thông có học sinh bán trú. Tổng số trẻ em, học sinh toàn tỉnh là 167.506, tăng hơn 3.000 trẻ em, học sinh so với năm học 2022 - 2023. Tỉ lệ huy động nhà trẻ toàn tỉnh đạt 21,42% vượt so với chỉ tiêu được giao năm học 2023 - 2024.
Đội ngũ CBQL giáo dục được tăng cường; đội ngũ giáo viên được rà soát tuyển dụng bổ sung đảm bảo nhu cầu dạy học năm học 2023 - 2024. Chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQL đã được nâng lên đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng dạy, học và các hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ công chức, viên chức phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới, sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Các hoạt động, giải pháp đột phá được thực hiện hiệu quả tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả đạt mục tiêu, chỉ tiêu năm học giáo dục và đào tạo như: Chất lượng giáo dục đại trà được cải thiện đáng kể, chất lượng giáo dục mũi nhọn tăng vượt bậc. Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kon Tum lần thứ IX năm 2024 đã có nhiều thành tích nổi bật. Công tác định hướng phân luồng, tư vấn tuyển sinh được tập trung triển khai.
Ngành GD&ĐT của tỉnh đã tham mưu chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả công tác tuyển sinh năm học 2024 - 2025; tổ chức thành công, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; công tác kiểm tra, đôn đốc các nhiệm vụ giáo dục được các cấp quản lý chú trọng triển khai; cải cách hành chính được chú trọng hiệu quả hơn so với năm 2023; công tác chuyển đổi số trong ngành được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả nổi bật…
Đồng chí U Huấn - UV dự khuyết TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chỉ đạo tại hội nghị
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ ghi nhận, biểu dương thành tích nổi bật ngành GD&ĐT tỉnh đạt được trong năm học vừa qua; đề nghị năm học mới, ngành tiếp tục vượt khó để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về GD&ĐT theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng; trong đó, chú trọng bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; từng bước khắc phục khó khăn về thiếu giáo viên và làm tốt công tác phân luồng hướng nghiệp, góp phần vào đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
Đồng chí mong muốn thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục nhân rộng hơn nữa mô hình “Bán trú dân nuôi” tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa nhằm góp phần duy trì sĩ số, tăng tính chuyên cần của học sinh; đồng thời thực hiện nghiêm quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục…
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương đã trình bày tham luận về một số vấn đề như: Hiệu quả từ những mô hình, hoạt động cấp mầm non góp phần Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của vùng đồng bào DTTS; Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT trên địa bàn tỉnh; Kết quả giáo dục mũi nhọn, các định hướng tạo nguồn tuyển chuyên và nâng cao chất lượng…
Đồng thời, cũng nêu lên các hạn chế, khó khăn như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ so với yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 và Chương trình giáo dục Mầm non; Định mức giáo viên thấp so với mặt bằng chung của cả nước và so với định mức quy định; Tình trạng thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển, thiếu ổn định cục bộ chậm được khắc phục; Năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên chưa đáp ứng tốt so với yêu cầu tổ chức triển khai Chương trình GDPT 2018.
Đồng chí Y Ngọc - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm, chỉ đạo trong công tác triển khai các nhiệm vụ liên quan đến giáo dục của địa phương, thường xuyên kiểm tra, làm việc với các cơ sở giáo dục, người dân để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã được các đại biểu nêu ra tại hội nghị.
Tiến hành đánh giá toàn diện đội ngũ giáo viên, đăng ký đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP và Nghị định số 141/2020/NĐ-CP của Chính phủ, giải quyết căn bản tình trạng thiếu giáo viên; thiếu ổn định của đội ngũ kéo dài 4 năm qua. Cần chú trọng bố trí ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành Giáo dục đáp ứng triển khai Chương trình GDPT 2018, đảm bảo bổ sung cơ sở vật chất để xây dựng trường chuẩn quốc gia theo lộ trình đề ra.
Đối với ngành GD&ĐT, đồng chí đề nghị tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục; phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập đáp ứng yêu cầu học tập đa dạng của người dân; triển khai, tham mưu phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục; việc huy động và sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học, thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh và đội ngũ giáo viên.
Tin, ảnh: Minh Đức - Y Đông